Phó chủ tịch VNBA: Ngân hàng không nên cho vay đặt cọc mua bất động sản

26-12-2023 23:44|Dương Lam

Phó chủ tịch VNBA cho rằng, việc đặc cọc không phải là hợp đồng chuyển nhượng, mua bán mà là biện pháp đảm bảo thực hiện cam kết.

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) chia sẻ với báo chí về việc đặt cọc trong giao kết hợp đồng kinh tế nói chung và mua bán bất động sản nói riêng.

Theo ông Hùng, việc đặc cọc không phải là hợp đồng chuyển nhượng, mua bán. Mục đích nói chung của đặt cọc là biện pháp đảm bảo thực hiện cam kết hoặc thực hiện hợp đồng. Khoản đặt cọc sẽ mất nếu cam kết không được thực hiện.

"Khi người mua đặt cọc để đảm bảo không trốn tránh nghĩa vụ mua hàng hóa, vậy người bán có cần phải đặt cọc khi không thực hiện nghĩa vụ?"

>> Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi tạo sự bình đẳng giữa người mua và bán

Trả lời cho câu hỏi trên, ông Hùng cho rằng, theo quy định của pháp luật dân sự thì các bên được phép thỏa thuận về mức phạt khi từ chối giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (hay còn gọi phạt cọc). Trong trường hợp các bên không thỏa thuận thì mức phạt cọc cũng được quy định rõ tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015.

“Và như vậy, để bình đẳng trong giao kết thì cả 2 bên đều phải đặt cọc để thực hiện cam kết, nếu bên nào vi phạm thì đương nhiên khoản đặt cọc đó được trả cho người thực hiện cam kết”, ông Hùng nhận định.

Phó chủ tịch VNBA: Ngân hàng không nên cho vay đặt cọc mua bất động sản
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Chia sẻ thêm về vấn đề đặt cọc, ông Hùng cho biết, trường hợp bên đặt cọc chấp nhận cho bên bán được sử dụng tiền đặt cọc và không phải đặt cọc đối ứng thì theo thỏa thuận. Song thỏa thuận đó chỉ được thực hiện khi người đặt cọc dùng tiền của mình để thực hiện, còn sử dụng tiền vay ngân hàng thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy định nội bộ của tổ chức tín dụng cho vay.

Mà theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và thông tư hướng dẫn thì mọi khoản vay (kể cả vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm), khách hàng cũng phải có phương án vay vốn, xuất trình hợp đồng mua hàng hóa, kế hoạch trả nợ, nguồn trả nợ.

>> Doanh nghiệp và người mua được lợi gì khi Luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản thông qua?

Do đó, ông Hùng cho rằng việc khách hàng đề nghị ngân hàng vay vốn chỉ để đặt cọc, để cam kết mua hàng cần trả lời được một số câu hỏi như phương án vay vốn được xây dựng như thế nào? Hiệu quả ra sao? Ngân hàng căn cứ vào quy định nào cho vay đặt cọc nếu không có phương án tổng thể về việc mua nhà trong đó có nội dung đặt cọc?

Đề cập đến vấn đề chỉ cho vay đặt cọc riêng lẻ, ông Hùng cho rằng, nếu muốn đặt cọc nhằm đảm bảo giao kết thì không cần phải vay vốn ngân hàng vì bản thân người vay đã phải có tối thiểu 20%-30% vốn tự có.

“Tôi không thể hình dung nổi tại sao lại phải vay ngân hàng tiền đặt cọc để đảm bảo giao kết, mà đó không phải là hợp đồng mua bán?. Trường hợp ngân hàng, căn cứ vào hợp đồng mua bán, trong đó có thỏa thuận đặt cọc để cho vay cả tiền đặt cọc (nếu có), sẽ đối diện với rủi ro có thể xảy ra nếu khoản tiền cho vay để đặt cọc để cho người bán sử dụng. Vì vậy, khi cho vay sẽ thỏa thuận với khách hàng khoản tiền đó cần phải lưu ký tại ngân hàng cho đến khi thực hiện nghĩa vụ”, ông Hùng nhận định.

>> Từ 2025, tất cả hoa hồng môi giới bất động sản sẽ phải chuyển khoản qua ngân hàng

Với kinh nghiệm công tác nhiều năm trong ngành Ngân hàng, ông Hùng cho rằng không nên cho vay chỉ để mục đích đặt cọc mua bán bất động sản.

“Trường hợp đặc biệt, xét cả phương án tổng thể thì có thể thỏa thuận với khách hàng cho vay đặt cọc trong thời gian bảo đảm giao kết, song số tiền đó phải để tại tài khoản tiền gửi của khách hàng hoặc người bán nhưng không dược sử dụng, chỉ được sử dụng khi thực hiện giao kết hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc đó được tính vào số tiền vay để mua nhà theo đúng phương án tổng thể khi đề xuất vay vốn”, ông Hùng khuyến nghị.

Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi tạo sự bình đẳng giữa người mua và bán

Những nét chính trong Luật Kinh doanh bất động sản vừa được thông qua

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pho-chu-tich-vnba-ngan-hang-khong-nen-cho-vay-dat-coc-mua-bat-dong-san-217227.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phó chủ tịch VNBA: Ngân hàng không nên cho vay đặt cọc mua bất động sản
    POWERED BY ONECMS & INTECH