Bất động sản

Cả nước hiện có hơn nửa số môi giới BĐS chưa được đào tạo chính quy

Thanh Sơn 20/05/2025 06:00

Theo quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản, tất cả các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề.

Gần 90% nhà môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề

Hội Môi giới bất động Việt Nam (VARS) cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định bắt buộc tất cả các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề và phải tốt nghiệp khóa đào tạo về kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn.

Mặc dù vậy sau 9 tháng thi hành, công tác tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ vẫn chưa được triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

>> Việt Nam sẽ có tòa tháp biểu tượng tại khu đất vàng Thủ Thiêm do Tập đoàn Trump xây dựng?

Cả nước hiện có hơn nửa môi giới BĐS chưa được đào tạo chính quy- Ảnh 1.
Theo thống kê hiện nay Việt Nam có 89% nhà môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề. Ảnh minh họa

Điều này gây khó khăn pháp lý, khiến cho hoạt động kinh doanh bị gián đoạn và gây ảnh hưởng đến thu nhập của những người làm môi giới bất động sản.

Theo VARS, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng hiện còn thiếu quy chuẩn về nội dung, giáo trình cũng như năng lực của giảng viên, làm giảm chất lượng đầu ra, gây tiềm ẩn nguy cơ đào tạo chỉ mang tính hình thức và thiếu thực chất.

Khảo sát mới nhất do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) thực hiện trên quy mô toàn quốc đã cho thấy bức tranh rõ nét về thực trạng đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu thi sát hạch trong lực lượng môi giới bất động sản.

Cuộc khảo sát được tiến hành trên 416/500 doanh nghiệp (tương đương khoảng 20.000 môi giới chuyên nghiệp) và 7.048/10.000 cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Thứ nhất, có tới 89% nhà môi giới hiện chưa có chứng chỉ hành nghề hợp lệ, bao gồm cả những trường hợp chưa từng được cấp và những chứng chỉ đã hết hiệu lực.

Đáng chú ý, hơn một nửa trong số này (51,8%) chưa từng tham gia bất kỳ khóa đào tạo chính quy nào, cho thấy lỗ hổng lớn về kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cơ bản - những yếu tố tối thiểu để hành nghề một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Thứ hai, khảo sát ghi nhận 93% người tham gia bày tỏ mong muốn được dự thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề, phản ánh rõ sự quan tâm và ý thức tuân thủ pháp luật ngày càng cao của lực lượng môi giới.

Đây không chỉ là tín hiệu tích cực về mặt quản lý, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các cơ sở đào tạo có năng lực phát triển các chương trình bồi dưỡng, luyện thi chuyên sâu, hướng đến chuẩn hóa toàn diện đội ngũ.

Thứ ba, nhu cầu tổ chức kỳ thi sát hạch tại các địa phương tập trung đông lực lượng môi giới như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa là rất lớn.

Cả nước hiện có hơn nửa môi giới BĐS chưa được đào tạo chính quy- Ảnh 2.
Nhiều môi giới cho rằng cần được đào tạo bài bản trước khi tham gia kỳ thi sát hạch về nghề. Ảnh minh họa

Việc lựa chọn các địa điểm này làm nơi tổ chức thí điểm không chỉ bảo đảm tính khả thi, mà còn giúp giảm chi phí di chuyển, thuận tiện cho thí sinh và kịp thời đáp ứng "cơn khát" chứng chỉ hành nghề của hàng chục nghìn người trên cả nước.

Thứ tư, 88,6% môi giới cho rằng cần được đào tạo bài bản trước khi tham gia kỳ thi sát hạch, thể hiện rõ nhu cầu trang bị kiến thức nền tảng cũng như kỹ năng thực tiễn.

Tổ chức các chương trình đào tạo chuẩn hóa không chỉ giúp nâng cao chất lượng kỳ thi, hạn chế gian lận, mà còn là cơ sở để siết chặt hoạt động cấp phép cho các đơn vị đào tạo.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với chất lượng nhân lực và tính minh bạch của hoạt động hành nghề.

Thứ năm, đáng lo ngại, 72,6% nhà môi giới chưa hiểu rõ tiêu chí của một đơn vị đào tạo đạt chuẩn, dẫn đến thực trạng "học nhầm, chọn sai", gây lãng phí thời gian và tiềm ẩn nguy cơ bị từ chối cấp chứng chỉ. Do đó, việc công khai danh sách các cơ sở được cấp phép đào tạo, cùng với tăng cường truyền thông về tiêu chuẩn, quy trình và quyền lợi học viên là vấn đề cấp thiết.

Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi người học, mà còn giúp lành mạnh hóa thị trường đào tạo, ngăn chặn tình trạng các khóa học hoạt động chui, thiếu kiểm soát.

Cần chuẩn hóa nghề môi giới

Trên cơ sở thực trạng và nhận định về nhu cầu cấp bách trong việc chuẩn hóa đội ngũ môi giới bất động sản, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã có loạt kiến nghị gửi Bộ Xây dựng nhằm thúc đẩy quá trình tổ chức thi sát hạch và quản lý hoạt động đào tạo theo đúng quy định tại Nghị định 96/2024/NĐ-CP và Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Cụ thể, VARS đề xuất Bộ Xây dựng ban hành văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố khẩn trương thành lập Hội đồng thi cấp tỉnh và triển khai kỳ thi sát hạch đầu tiên trong thời gian sớm nhất. Bộ có thể lựa chọn một số địa phương trọng điểm để thí điểm tổ chức trước, từ đó rút kinh nghiệm và mở rộng ra toàn quốc.

Đồng thời, VARS nhấn mạnh việc yêu cầu các địa phương định kỳ báo cáo kết quả tổ chức thi, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo và xử lý nghiêm những địa phương triển khai hình thức hoặc không hiệu quả.

Cả nước hiện có hơn nửa môi giới BĐS chưa được đào tạo chính quy- Ảnh 3.
VARS có loạt kiến nghị gửi Bộ Xây dựng nhằm thúc đẩy quá trình tổ chức thi sát hạch và quản lý hoạt động đào tạo theo đúng quy định tại Nghị định 96/2024/NĐ-CP và Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Ảnh minh họa

VARS cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình thi sát hạch, tiêu chí điều kiện của cơ sở đào tạo, và công bố minh bạch danh sách các đơn vị được cấp phép, cập nhật định kỳ nhằm tránh tình trạng người học bị "sập bẫy" các trung tâm thiếu năng lực, hoạt động không phép.

Với UBND các tỉnh, thành phố, VARS đề xuất nhanh chóng thành lập Hội đồng thi theo đúng quy định và chủ động phối hợp với các tổ chức có uy tín, đủ năng lực để tổ chức kỳ thi khi có yêu cầu từ các đơn vị đào tạo hoặc hiệp hội nghề nghiệp đủ điều kiện.

Để bảo đảm chất lượng và tính khả thi, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức kỳ thi sát hạch phù hợp với thực tế tại địa bàn, nhất là ở các khu vực có thị trường bất động sản sôi động như đô thị lớn, tránh tình trạng dồn ứ, gây áp lực cho thí sinh và hệ thống tổ chức.

Ngoài ra, VARS nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc giám sát hoạt động đào tạo và sát hạch, bao gồm thanh tra định kỳ và đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân đào tạo, đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở hoạt động "chui", cấp chứng chỉ không đúng quy trình hoặc có hành vi mua bán văn bằng, chứng nhận.

Đối với các Hội đồng thi cấp tỉnh, VARS lưu ý cần thực hiện việc thẩm định hồ sơ dự thi nghiêm túc, chỉ chấp nhận giấy chứng nhận khóa học từ các đơn vị đào tạo được cấp phép theo quy định của pháp luật. Việc bồi dưỡng kiến thức hành nghề cũng phải tuân thủ đúng nội dung chương trình khung theo Thông tư 04/2024/TT-BXD mà Bộ Xây dựng đã ban hành.

>> Sân bay quốc tế gần 30.000 tỷ tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam và tuyến đường kết nối đồng loạt đạt dấu mốc quan trọng

Cáp treo ba dây từng đạt kỷ lục Guinness dài nhất thế giới tại Việt Nam: Con đường trên mây chạm tới 'nóc nhà Đông Dương'

Cao tốc 15.000 tỷ của Tây Bắc sẽ có cây cầu có nhịp dây văng dài nhất và trụ cầu cao nhất Việt Nam

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/ca-nuoc-hien-co-hon-nua-moi-gioi-bds-chua-duoc-dao-tao-chinh-quy-20225051916095218.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cả nước hiện có hơn nửa số môi giới BĐS chưa được đào tạo chính quy
    POWERED BY ONECMS & INTECH