Với nguồn lực hơn 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, NHNN sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá khi cần thiết.
Tỷ giá các ngân hàng thương mại đã có phiên tăng mạnh ngày 3/4, đồng loạt vượt 25.000 đồng/USD. Điển hình, ngân hàng MB (MBB) niêm yết giá mua - bán USD tiền mặt ở mức 24.820 - 25.221 đồng, vượt mức giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (25.171 đồng) và chạm mức giá trần được phép giao dịch (25.221 đồng) phiên 3/4.
Chia sẻ tại họp báo Chính phủ chiều ngày 3/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, với nguồn lực hơn 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối cộng thêm đầy đủ công cụ điều hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá khi cần thiết.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN |
"Tỷ giá là chỉ dấu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng, ảnh hưởng tới sức mua đồng tiền Việt Nam, các chính sách kinh tế khác. Vì thế, NHNN xác định sẽ điều hành linh hoạt, đảm bảo tỷ giá lên xuống phù hợp", ông Tú nói.
Ngoài các công cụ điều chỉnh tỷ giá bằng chính sách tiền tệ, theo Phó Thống đốc, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào, tới cuối 2023 khoảng 100 tỷ USD. Trường hợp cần thiết, cơ quan này sẽ can thiệp để ổn định.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã phát hành tín phiếu, hút tiền trên thị trường liên ngân hàng để ổn định tỷ giá ngoại hối. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong tháng 3, khoảng 164.300 tỷ đồng được NHNN hút về trên thị trường liên ngân hàng, tăng lợi suất tín phiếu. Đây là một trong số cách thức can thiệp để giảm áp lực, song tỷ giá vẫn trong đà tăng.
Hai ngày gần đây, đà tăng tỷ giá mạnh mẽ hơn sau khi NHNN dừng phát hành tín phiếu, sau 3 tuần liên tục hút tiền trên thị trường liên ngân hàng.
Lý do tỷ giá tăng nóng, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra thời điểm cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất nên giá trị đồng đôla Mỹ tăng cao. Điều này tác động, khiến nhiều đồng tiền của các quốc gia trên thế giới, trong đó có VND, giảm giá.
Sức ép tỷ giá còn đến từ chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng, tức lãi suất VND thấp hơn so với USD, khi lãi suất giảm sâu vừa qua. Ngoài ra, tín hiệu tích cực từ xuất nhập khẩu trong quý đầu năm, trên 178 tỷ USD, cũng đẩy nhu cầu ngoại tệ tăng cao so với cuối 2023.
Hiện, mức mất giá của VND so với USD khoảng 2,6%, tính từ đầu năm đến nay. Song mức này, ông Tú nói, thấp hơn nhiều đồng tiền khác, như yen Nhật giảm giá tới 7,52% so với đôla Mỹ.
Tỷ giá tăng ‘nóng rẫy’, Vietnam Airlines và nhiều doanh nghiệp khác có ngồi trên ‘đống lửa’?
Doanh nhân Trầm Bê sau 2 'đại án' rúng động ngành ngân hàng giờ ra sao?