Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Ảnh hưởng của bão số 3 Yagi trên diện rộng và kéo dài
Sáng 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp tại Tổng cục Khí tượng thủy văn để nghe công tác dự báo, ứng phó bão số 3 Yagi.
Lúc 8h, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp tại Tổng cục Khí tượng thủy văn để nghe công tác dự báo, ứng phó bão số 3.
Cuộc họp được kết nối với Trạm khí tượng hải văn Bạch Long Vĩ; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh; Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và Trung du Bắc Bộ.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đã báo cáo Phó Thủ tướng về những tác động về gió mạnh, mưa lớn và những nguy cơ của bão số 3 đối với các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, công tác dự báo đã đưa ra các dự báo về cường độ, tính phức tạp và diễn biến của cơn bão là chính xác, kể cả hướng đi, sự thay đổi của bão.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời điểm này cần tiếp tục dự báo hướng đi của bão trong bán kính, cấp độ, phạm vi ảnh hưởng… các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình bão tiếp tục giữ cường độ cấp 14; khi vào đến đất liền có thể giảm đi một vài cấp.
Thông qua báo cáo của các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng cho rằng, ảnh hưởng của bão sẽ bắt đầu khoảng từ 13 và kéo dài tới 17h chiều. Sau đó, hoàn lưu sau bão vẫn tiếp tục gây nguy hiểm có thể kéo dài thời gian nguy hiểm.
Việc cảnh báo cần cung cấp chính xác các thời điểm, khu vực bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, những vấn đề về hoàn lưu bão… cần cập nhật chính xác, thường xuyên. Đặc biệt, các đài địa phương, khu vực, đài quan trắc cần tiếp sóng và thông báo trước, sớm để người dân nắm bắt từ đó chủ động ứng phó bão.
“Việc dự báo đã cập nhật, thường xuyên rồi thì cần cập nhật thường xuyên hơn, đặc biệt là thời điểm trung tâm cơn bão vào bờ”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Lưu ý thêm, Phó Thủ tướng cho rằng, tại các huyện đảo nơi cơn bão đang đi qua, công tác dự báo cần có tính toán dự phòng. Các địa phương có các tuyến đê trọng điểm cũng cần có sự tính toán đến mức độ ảnh hưởng của sóng biển khi nước biển dâng tràn đê.
Đối với hoàn lưu bão ảnh hưởng tới các tỉnh miền núi trung du, cần cung cấp thông tin về lượng mưa để các địa phương ở sâu trong đất liền chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão có phương án ứng phó. Do đó, công tác dự báo lượng mưa, dự báo về tài nguyên nước, hải văn… cần phối hợp, đưa cập nhật bản tin sớm hơn.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, từ thực tế tình hình ở các địa phương báo về, cơn bão này rất mạnh, rất nguy hiểm và đã gây ra một số thiệt hại lớn nên đề nghị các bộ, ngành liên quan và địa phương tăng cường cảnh giác, tập trung phòng, chống bão.
>>Trung Quốc: Siêu bão Yagi đổ bộ lần thứ hai, gần 1 triệu người di dời