Phó Thủ tướng yêu cầu 2 bệnh viện hạng đặc biệt sớm hoạt động: ‘2 dự án bệnh viện trọng điểm bị chậm trễ 6-7 năm là có lỗi với nhân dân’
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định đây là “nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng” và yêu cầu quyết tâm hoàn thành trong năm nay.
Theo báo Chính phủ, chiều 23/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã trực tiếp thị sát, kiểm tra tiến độ Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại tỉnh Hà Nam. Đây là 2 trong số những dự án y tế trọng điểm cấp quốc gia đang bị đình trệ nhiều năm qua.
Sau khi kiểm tra thực địa, Phó Thủ tướng đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, UBND tỉnh Hà Nam và đại diện các Bộ, ngành liên quan nhằm đánh giá tình hình, tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy tiến độ triển khai dự án.

Hai cơ sở này nằm trong Đề án "Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối tại TP.HCM" theo Quyết định 125/QĐ-TTg ngày 16/01/2014. Trong khi 3 dự án còn lại tại TP. HCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 dự án tại Hà Nam lại bị tạm dừng thi công từ 1/1/2021 do nhiều vướng mắc kéo dài.
Tính đến thời điểm tạm dừng, cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành 97,8% giá trị hợp đồng và giải ngân 57,2% vốn; cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức hoàn thành 86,3% giá trị hợp đồng, giải ngân 55,7% vốn. Tổng nhu cầu vốn còn lại lên tới hơn 3.917 tỷ đồng.
Triển khai theo Nghị quyết 34/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 256/KH-BYT (ngày 26/2/2025), với tiến độ cụ thể cho từng gói thầu. Trong đó, gói thầu chính do Tổng công ty 36 và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội thực hiện. Ngoài ra, các gói thầu thiết bị, công nghệ thông tin và xử lý rác thải – nước thải đều đã được phân công cụ thể.
Tuy nhiên, việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn: công tác thẩm định, phê duyệt dự toán thiết kế kỹ thuật chậm tiến độ; giá nguyên vật liệu tăng mạnh; các nhà thầu khó tiếp cận tín dụng sau các kết luận thanh tra; tâm lý e ngại từ phía nhà cung cấp thiết bị và vật tư. Bộ Y tế cũng đang phối hợp thúc đẩy đấu thầu thiết bị y tế, đồng thời yêu cầu hai bệnh viện sớm hoàn thiện đề án vận hành và phương án nhân lực để đảm bảo chất lượng khi đi vào hoạt động.
> > Thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam sắp có thêm tổ hợp 3 tòa tháp cao đến 40 tầng

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Hai dự án để xảy ra tình trạng chậm trễ thế này là có lỗi với nhân dân. Chúng ta phải quyết tâm khắc phục bằng được những tồn tại hạn chế để tiếp tục đầu tư cho 2 dự án bệnh viện quan trọng này, thời gian còn lại là rất ngắn để có thể hoàn thành trong năm nay, đưa 2 bệnh viện đi vào hoạt động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư".
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rõ ràng ai sai phạm phải xử lý nghiêm theo pháp luật, nhưng công trình thì không có lỗi. Việc tiếp tục đầu tư phải đúng quy định, đúng nguyên tắc, tuyệt đối không để phát sinh tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu đẩy mạnh nhân lực, thiết bị, tăng tốc tiến độ, nhưng không được "làm ẩu, làm dối".
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng ("phần vỏ"), Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ Y tế và hai bệnh viện phải triển khai song hành các gói thầu trang thiết bị y tế - "phần ruột" của dự án, để đảm bảo đồng bộ, chất lượng.
Về nhân lực, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có phương án đào tạo, bố trí cán bộ cụ thể để khi đi vào hoạt động, hai cơ sở 2 vẫn giữ nguyên chất lượng chuyên môn như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nội. "Không thể để cơ sở 2 thành Bạch Mai loại 2, Việt Đức loại 2", ông nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm vướng mắc thanh toán giữa chủ đầu tư và Công ty thiết kế VK (Vương quốc Bỉ), đồng thời thúc đẩy hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các gói thầu đang chậm.
"Hai bệnh viện này là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Chúng ta phải làm việc với trách nhiệm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để hoàn thành vào cuối năm nay, không thể chậm trễ thêm nữa," Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Bệnh viện hạng đặc biệt ở Việt Nam được định nghĩa là bệnh viện có năng lực và quy mô hoạt động lớn, đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ y tế và khám chữa bệnh, đồng thời có các chuyên khoa chuyên sâu, hiện đại. Hiện tại, Việt Nam có 6 bệnh viện hạng đặc biệt, trong đó có Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai.