TP giàu nhất Việt Nam chuyển trụ sở dôi dư sau sắp xếp thành trường học, bệnh viện phục vụ dân sinh
Theo lãnh đạo thành phố, địa phương sẽ ưu tiên bố trí lại các trụ sở dôi dư sau sắp xếp, chuyển đổi thành trường học, cơ sở y tế phục vụ cộng đồng.
Ngày 22/4, Chủ tịch nước Lương Cường cùng tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 10 - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được đã thông tin đến cử tri một số nội dung liên quan đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo ông, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, TP. HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Hiện nay, HĐND TP. HCM đã thống nhất chủ trương sắp xếp lại 273 đơn vị hành chính cấp xã còn 102 đơn vị, gồm 78 phường và 24 xã. Việc đặt tên các phường, xã mới được lấy ý kiến rộng rãi từ người dân và nhận được sự đồng thuận cao. Tên gọi được lựa chọn theo hướng gần gũi với cộng đồng, gắn liền với các địa danh lịch sử nhằm kết nối quá khứ với hiện tại, tri ân những đóng góp của các thế hệ đi trước.
Song song đó, thành phố ưu tiên bố trí lại các trụ sở dôi dư sau sắp xếp, chuyển đổi thành trường học, cơ sở y tế phục vụ cộng đồng.
Chính quyền cũng đang nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ hợp lý cho đội ngũ cán bộ bị ảnh hưởng, bao gồm cả lực lượng không chuyên trách, trên cơ sở phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn địa phương.
Trong lần đầu tiếp xúc cử tri TP. HCM, Chủ tịch nước Lương Cường đã chia sẻ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quá trình tinh gọn bộ máy, lộ trình sửa đổi Hiến pháp và các văn bản pháp luật tại kỳ họp sắp tới.
Ông nhấn mạnh: “Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là rất nhiều, rất gấp và yêu cầu rất cao”.
Theo Chủ tịch nước, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh hơn 19.200 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm gần 1.200 văn bản do Quốc hội và các cơ quan Trung ương ban hành, cùng hơn 18.000 văn bản ở cấp địa phương.
Tính về khối lượng, có đến 121 nhóm công việc cần triển khai, trong đó 29 nhóm thuộc Chính phủ và 40 nhóm thuộc cấp tỉnh. Đặc biệt, tại các đô thị lớn như TP. HCM, số lượng văn bản phải điều chỉnh là rất lớn.
Liên quan đến công tác cán bộ hậu sắp xếp, Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò của việc làm công tác tư tưởng: “Có những người nghỉ việc, không chỉ họ mà cả gia đình, cha mẹ, dòng họ đều buồn”.
Ông cho rằng cần thay đổi nhận thức xã hội, để mọi người hiểu rằng làm việc trong khu vực công hay tư đều là bình thường, và việc rời bộ máy không đồng nghĩa với năng lực yếu kém, mà đơn giản là do vị trí không còn phù hợp.
“Phải làm sao để người rời đi không cảm thấy bị đánh giá thấp. Họ cần được tạo cơ hội tái hòa nhập và phát triển ở môi trường mới. Đừng để người ta nghĩ rằng 'ông này ú ớ quá, không làm được việc nên bị cho ra'”, Chủ tịch nước nói.
Theo Cục Thống kê TP. HCM, kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định. TP.HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.
>> Sau sáp nhập, tỉnh mới này tiếp tục đặt tham vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương