Phong tỏa khẩn cấp công trường do nghi ngờ gò đất chứa kho báu, chuyên gia cho nổ mìn, huy động công nghệ cao làm việc suốt ngày đêm, phát hiện hơn 100 báu vật 1.700 năm tuổi
Các chuyên gia cũng cho rằng việc phát hiện ra số kho báu này là một dấu mốc quan trọng, mang ý nghĩa vô cùng lớn đối với cộng đồng khảo cổ học.
Với chiều dài lịch sử hơn 5.000 năm, Trung Quốc đã để lại ấn tượng sâu sắc cho thế giới bằng nền văn hóa phong phú và bản sắc độc đáo, tạo ra vô số bảo vật quý giá. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, nhiều di vật và di tích văn hóa quan trọng đã bị chôn vùi dưới lòng đất, gây nên nỗi tiếc nuối cho các thế hệ sau. Những di sản này không chỉ phản ánh quá trình phát triển của nền văn minh Trung Hoa mà còn là kho tàng kiến thức và giá trị nghệ thuật quý giá.
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của ngành khảo cổ học, những kho báu văn hóa này đang dần lộ diện. Khi được “tái sinh”, các di vật cùng câu chuyện về nguồn gốc của chúng trở thành chứng nhân sống động, giúp hậu thế phác họa lại bức tranh lịch sử tưởng chừng đã bị lãng quên. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Đầu những năm 1990, Trung Quốc triển khai xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao. Trong quá trình thi công tại tỉnh Giang Tây, một sự việc bất ngờ đã xảy ra. Theo thông tin từ Sohu, khi máy xúc đang làm việc, nó bỗng dưng bất động trước một gò đất lớn. Dù đã huy động nhiều máy móc để đào bới, khối đất cứng này vẫn không thể di dời. Qua điều tra, đội thi công phát hiện rằng khu vực gần đó từng xuất hiện những di vật văn hóa, từ đó họ nghi ngờ bên dưới gò đất này có thể là một ngôi mộ cổ chứa nhiều bảo vật giá trị.
Để kiểm chứng nghi ngờ của mình, đội thi công đã nhanh chóng dùng mìn để phá gò đất. Ngay sau khi tiếng nổ vang lên, cảnh tượng hiện ra khiến tất cả những người có mặt tại hiện trường đều bàng hoàng. Hóa ra, gò đất cứng cáp ấy không phải chỉ là đất bình thường mà bên trong chứa một công trình cổ được xây dựng bằng gạch. Nhận thấy đây có thể là một di tích văn hóa quan trọng, đội xây dựng lập tức thông báo cho các chuyên gia khảo cổ học đến để tiến hành nghiên cứu. Hiện trường được phong tỏa ngay lập tức và một loạt thiết bị công nghệ cao đã được các chuyên gia sử dụng để kiểm tra toàn diện công trình vừa phát hiện.
Sau nhiều ngày đêm khai quật, các chuyên gia khảo cổ học đã đưa ra kết luận từ kết quả kiểm tra địa chất. Họ xác định rằng gò đất bên trên ngôi mộ này đã tồn tại hàng nghìn năm và bên trong là một ngôi mộ cổ có hình dạng kim tự tháp. Phần mái của ngôi mộ nhô lên cao, tạo thành một gồ đất lớn, trong khi phần dưới trải rộng dưới lòng đất với diện tích hơn 900m2.
Các chuyên gia khảo cổ học cho biết toàn bộ ngôi mộ này được xây dựng bằng gạch. Khi quyết định vào sâu bên trong để nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng ngôi mộ này đã từng bị “đánh thức” từ trước đó. Những kẻ trộm mộ tinh ranh đã ghé thăm và cuỗm đi phần lớn các món đồ quý giá bên trong. Dù vậy, ngôi mộ vẫn lưu giữ được nhiều chi tiết kiến trúc và dấu vết văn hóa quan trọng, mở ra cơ hội nghiên cứu sâu hơn về những nét văn hóa, phong tục tập quán của thời kỳ mà nó được xây dựng.
Sau khi tiến hành thu thập các báu vật còn lại, các chuyên gia cho biết trong ngôi mộ vẫn còn hơn 100 báu vật cổ xưa. Trong số đó, có những chiếc đèn cổ với các hình vẽ độc đáo và bộ ấm trà bằng men ngọc được chế tác rất tinh xảo.
Dựa vào những manh mối thu được, các chuyên gia dự đoán rằng chủ nhân của ngôi mộ này là một nhân vật tầm cỡ trong quá khứ. Sau khi nghiên cứu các di vật và cấu trúc của ngôi mộ, họ xác định rằng nó đã tồn tại hơn 1.700 năm và có nguồn gốc từ cuối thời Đông Ngô - một trong ba quốc gia thời Tam Quốc (220-280) trong lịch sử Trung Quốc.
Chủ nhân của ngôi mộ được xác định là Đàm Thiệu, em vợ của vua Tôn Quyền nước Ngô. Dù có địa vị cao trong triều đình, Đàm Thiệu không muốn vướng vào những cuộc tranh chấp quyền lực, nên ông đã trở về quê hương, sống một cuộc sống bình yên cho đến khi qua đời và được chôn cất tại đây. Câu chuyện về cuộc đời của ông không chỉ làm sáng tỏ thêm lịch sử của thời kỳ Tam Quốc mà còn thể hiện giá trị văn hóa và nhân văn của những người có địa vị cao nhưng luôn hướng về cuộc sống giản dị.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc phát hiện ra số kho báu này là một dấu mốc quan trọng, mang ý nghĩa vô cùng lớn đối với cộng đồng khảo cổ học Trung Quốc. Phát hiện này không chỉ giúp làm sáng tỏ những khía cạnh chưa được khám phá của lịch sử mà còn góp phần vào công cuộc lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa cổ xưa của một quốc gia có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm.
Những di vật tìm thấy từ ngôi mộ không chỉ là những hiện vật có giá trị khảo cổ mà còn là chứng nhân cho văn hóa, phong tục và đời sống của người dân trong thời kỳ Đông Ngô, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của Trung Quốc.