Phong trào phi đô la hóa (Kỳ I): “Cú sốc” với USD

24-06-2023 06:15|TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia Kinh tế độc lập

Các cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga dựa trên sức mạnh của đồng USD đang khiến có nhiều lời kêu gọi phi đô la hóa trên toàn cầu và dùng các đồng tiền khác thay thế USD.

Phi đô la hóa được định nghĩa là việc các nước nỗ lực giảm lệ thuộc của họ vào đồng USD với tư cách là đồng tiền giao dịch thương mại, thanh toán và dự trữ quốc tế; và thay thế nó bằng một hoặc vài đồng tiền khác cho các chức năng nói trên.

bric.jpg
BRICS dự kiến phát hành đồng tiền chung để soán ngôi đồng USD. (Ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu qua truyền hình tại thượng đỉnh BRICS 2022)

Nền tảng nâng cao vị thế USD

Về lý thuyết, một đồng tiền của một quốc gia nào đó được công nhận là đồng tiền quốc tế cần phải có những điều kiện tiên quyết, như nền kinh tế có đồng tiền đó phải là một nền kinh tế lớn có tầm toàn cầu, qui mô giao dịch thương mại lớn, và cũng phải có nền quốc phòng và quân đội hùng mạnh để giảm thiểu rủi ro bị tấn công bởi một quốc gia khác bất kỳ lúc nào.

Về lịch sử, trước đồng USD, thế giới đã có những đồng tiền quốc tế khác, như đồng Bảng Anh, Franc của Pháp, Franc Thụy Sĩ, Mác của Đức... tương ứng với những quốc gia đế quốc trước Thế chiến thứ II. Sau Thế chiến thứ II, nền kinh tế Mỹ gần như không bị tàn phá bởi chiến tranh, do đó, nó đương nhiên trở thành nền kinh tế lớn nhất, và cũng là một quốc gia có nền quốc phòng và quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Đặc biệt, nước Mỹ đã luôn duy trì và đảm bảo được mọi điều kiện nói trên cho đến nay.

Quan trọng hơn, một loại sự kiện, tình huống và yếu tố khác xuất hiện sau đó đã khiến đồng USD dần trở thành một đồng tiền quốc tế siêu mạnh như hiện nay. Những yếu tố đó bao gồm:

Thứ nhất, kế hoạch Marshall năm 1948 hay còn gọi là Chương trình tái thiết châu Âu sau Thế chiến thứ II. Theo đó, Mỹ cung cấp hơn 15 tỷ USD để tài trợ các nỗ lực xây dựng lại lục địa này. Điều này giúp USD có vị thế gần như thống trị trong giao dịch tài chính và thương mại qui mô toàn cầu một cách nhanh chóng.

Thứ hai là USD dầu lửa (Petrodollar). Kể từ Thế chiến thứ II, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất và tiêu dùng dầu lửa (và cả các hàng hóa nguyên liệu cơ bản khác) lớn nhất thế giới. Do đó, việc thanh toán các hàng hóa này cũng được mặc định bằng USD.

Thứ ba, tự do tài khoản vốn là việc một nền kinh tế phải cho phép dòng vốn ra và vào một một cách hoàn toàn tự do. Hệ quả là nền kinh tế đó phải chấp nhận thu nạp mọi nguồn tiết kiệm quốc tế thông qua thị trường tài sản tài chính nội địa. Nền kinh tế Mỹ luôn thỏa mãn điều kiện này một cách đầy đủ nhất.

Thứ tư, USD đã có sự thừa nhận và phê chuẩn rộng rãi toàn cầu từ tất cả các định chế tài chính toàn cầu, giúp nó duy trì và mở rộng vị thế đồng tiền quốc tế.

Thứ năm, nền thể chế của Mỹ được xem là nền thể chế rõ ràng, minh bạch, công khai nhất, do đó dễ đoán định nhất. Và đó là nền tảng quan trọng nhất tạo ra lòng tin quốc tế vào USD. Trong đó, phải kể đến FED hoàn toàn độc lập với chính trị và với chính quyền.

Thứ sáu là phát minh và công nghệ. Nước Mỹ là nguồn cung ứng các phát minh khoa học và công nghệ lớn nhất trong vòng 50 năm qua. Vì vậy, bất kỳ quốc gia nào cũng muốn và cần phải giao dịch với Mỹ để có được công nghệ tiên tiến, hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ. Điều này có nghĩa là các quốc gia khác phải sở hữu và sử dụng USD để giao dịch với Mỹ.

usd.jpg

“Tẩy chay” USD

Sự cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga vì cuộc chiến Ukraine khiến một số quốc gia lo ngại về sự lệ thuộc của họ vào đồng USD. Họ lo ngại rằng, trong bối cảnh có bất đồng với Mỹ thì họ cũng sẽ phải hứng chịu những hậu quả như Nga.

Mỹ loại Nga khỏi hệ thống SWIFT và đóng băng khoản dự trữ 300 tỷ USD khiến Nga không thể sử dụng USD cho các giao dịch quốc tế. Điều này khiến nhiều nước lo ngại một khi bị Mỹ cấm vận tương tự thì nền kinh tế sẽ không thể chịu đựng nổi. Đây là lý do khiến nhiều nước đang tìm cách giảm và/hoặc không sử dụng USD làm đồng tiền dự trữ và giao dịch thương mại quốc tế.

Đồng thời, việc FED tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát cũng khiến các đồng tiền khác mất giá. Do đó, các ngân hàng trung ương phải vất vả duy trì ổn định tiền tệ, cân bằng vĩ mô và nền kinh tế cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện tại, họ đang phải vật lộn với khó khăn khi nguồn vốn chảy ra, đồng tiền mất giá và lạm phát tăng cao. Một số nước nghĩ rằng nếu giảm mức lệ thuộc sử dụng đồng USD sẽ giúp họ tránh được tình huống này.

Câu hỏi đặt ra là khi loại bỏ bớt USD thì đồng tiền nào sẽ được dùng làm đồng tiền thay thế? Hiện tại, người ta bàn tới sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc làm đồng tiền thay thế, và bàn thảo liệu có nên lập ra một đồng tiền chung của khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) để thay thế cho USD hay không.

Trên thực tế, hiện đã có 8 nước tham gia phong trào phi đô la hóa và sử dụng NDT của Trung Quốc làm đồng tiền thay thế bao gồm Brazil, Nga, Argentina, Saudi Arabia, Bangladet, Pakistan, Iraq và Thái Lan. Đây có thể được coi là cú sốc với USD. Việt Nam cũng cần có chính sách ứng phó với viễn cảnh này trong tương lai.

Kỳ II: Đồng USD sẽ ra sao?

Đèo Cả đã cử các đoàn đi nghiên cứu tại Mỹ, Nhật Bản để phát triển đường sắt cao tốc, metro ở Việt Nam

Chuyên gia: Lạm phát sắp bùng nổ, đe dọa nhấn chìm thị trường chứng khoán

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/phong-trao-phi-do-la-hoa-ky-i-cu-soc-voi-usd-246225.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phong trào phi đô la hóa (Kỳ I): “Cú sốc” với USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH