Nhờ vị trí không có đối thủ trên thị trường, Porsche chứng kiến doanh số tăng trưởng chóng mặt 6 lần chỉ trong giai đoạn 1999 - 2021 và đã trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị hàng đầu châu Âu.
Porsche: Nhà sản xuất ô tô có giá trị nhất châu Âu
Porsche, sau đợt IPO, giá trị vốn hóa đã tăng phi mã. Sáng 6/10, cổ phiếu Porsche đã tăng đến mức 91,95 USD – đưa giá trị vốn hóa lên đến 84 tỷ USD.
Con số này đã vượt qua, 77,7 tỷ USD của Volkswagen. Giá trị vốn hóa thị trường của Porsche cũng cao hơn Mercedes-Benz, BMW và Stellantis.
Cụ thể, so với các hãng chế tạo ô tô khác của châu Âu, giá trị của Porsche vẫn cao hơn Volkswagen (77,7 tỷ euro), Mercedes-Benz (57,2 tỷ euro), BMW (47,5 tỷ euro) và Stellantis (39,7 tỷ euro).
Theo CNN, có tới 14,85 triệu cổ phiếu mà các ngân hàng có thể mua được trong 4 tuần sau khi Porsche IPO. Số cổ phiếu này có tổng trị giá khoảng 1,18 tỷ USD. Bank of America là một trong những ngân hàng đã mua cổ phiếu thông qua hình thức trên với giá 79,42 - 80,89 USD.
“IPO là một yếu tố quan trọng của tập đoàn. Số tiền thu được có thể sẽ giúp chúng tôi linh hoạt hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hãng xe thuần điện”, Giám đốc tài chính Arno Antlitz của Porsche cho biết.
Porsche niêm yết trên sàn chứng khoán Frankfurt vào cuối tháng 9 với giá khởi điểm là 80,36 USD. Tập đoàn Volkswagen quyết định bán 12,5% cổ phần không có quyền biểu quyết đã giúp Porsche và Tập đoàn huy động được thêm khoảng 9,1 tỷ USD.
Tại Đức, Porsche là công ty được niêm yết có giá trị thứ 5 (sau Linde, SAP, Deutsche Telekom và Siemens), và cổ phiếu của hãng có giá trị cao thứ 25 tại châu Âu, vượt cả những tập đoàn lớn như Glencore.
Trong thời gian từ ngày 29/9 - 4/10/2022, khoảng 34 triệu cổ phiếu của hãng đã được giao dịch, chiếm khoảng 11% tổng khối lượng giao dịch kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Frankfurt.
Thương hiệu "xe sang thể thao đại chúng" gọi tên Porsche
Porsche trước đây gần như nổi danh thuần túy nhờ 911. Dù đội hình họ vẫn có các dòng xe khác, mẫu xe thể thao được hãng kinh doanh từ năm 1964 đã trở thành biểu tượng gắn liền với tên tuổi Porsche.
Tuy nhiên, trong hai thập kỷ gần nhất, họ đã làm rất tốt việc tách biệt mình khỏi vị trí có tên tuổi nhưng kén khách và trở thành một thương hiệu "xe sang thể thao đại chúng" thành công.
20 năm có thể là một quãng thời gian dài cho bất cứ công ty nào trong làng xe, nhưng với một "hãng xe thể thao" như Porsche vốn có ít thay đổi, đây chỉ như một cái chớp mắt.
Chỉ trong hơn 20 năm từ 1999 - 2021, doanh số thường niên của họ đã tăng từ 50.000 lên hơn 300.000 xe.
Xen giữa giai đoạn 2002 và 2021, chỉ hai lần doanh số hãng đi xuống là vào năm 2008, khi đại khủng hoảng kinh tế diễn ra, và vào năm 2020 khi COVID-19 buộc các đại lý xe tại nhiều quốc gia đóng cửa.
Tính toàn bộ các thương hiệu có dính tới yếu tố "sang", không một ai tăng trưởng mạnh như Porsche.
Tesla có thể là một ví dụ được lấy ra so sánh, nhưng việc họ có là một hãng xe sang hay không hiện vẫn chưa ai dám chắc, chưa kể giá xe Tesla dù cao hơn những gì chúng mang lại vẫn thấp hơn xe Porsche (giá xe Porsche trung bình cao hơn Tesla tại Đức 114%, tại Trung Quốc 316% và tại Mỹ là 24%).
Mức giá của xe Porsche cũng là một yếu tố giúp họ phát triển nhanh chóng. Porsche đứng cao hơn các thương hiệu xe sang "phổ thông" như Mercedes-Benz (chẳng hạn giá bán lẻ trung bình xe Porsche tại Đức là 129.848 euro, cao gần gấp đôi Mercedes ở 68.862 euro), nhưng thấp hơn các hãng xe siêu sang như Rolls-Royce hay Bentley và các thương hiệu xe thể thao cao cấp hẳn như Ferrari.
Vị trí đặc biệt này giúp Porsche trở thành thương hiệu có giá nhất toàn Tập đoàn Volkswagen.
Chính vị trí này giúp họ tự tin phát triển và ra mắt Porsche Taycan thuần điện sớm tới vậy mà không sợ có đối thủ cạnh tranh, cũng như không quá sợ việc mất hình ảnh thể thao như Ferrari lo lắng.
Xem thêm: Vẻ đẹp của Porsche 911 Targa 4S khiến hội chơi siêu xe mê mẩn
‘Bóc giá’ dàn siêu xe Porsche, Jaguar, Mercedes, Lexus, Rolls-Royce, Lamborghini… của Mr. Pips
Xe điện Porsche Macan EV bị triệu hồi vì đèn pha quá sáng so với quy định