Prudential Việt Nam đang là doanh nghiệp bảo hiểm đang đầu tư vào chứng khoán với số tiền lớn nhất.
Sau hàng loạt những vụ người dân tố cáo nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancass) gồm: Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife.
Theo đó, các doanh nghiệp hạch toán chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng còn nhiều sai phạm trong đó, khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới sai phạm nhiều nhất.
Cùng nhìn lại bức tranh tài chính của các doanh nghiệp Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ.
Prudential kinh doanh ra sao?
Năm 2022, tổng doanh thu của Prudential đạt 34.610 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm 30.557 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính hơn 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.636 tỷ đồng, gấp khoảng 7,7 lần so với lợi nhuận năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Prudential tăng vọt 670% lên 3.636 tỷ đồng mặc dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 11%, đạt 34.610 tỷ đồng.
Kết quả này chủ yếu là nhờ lãi suất ngân hàng tăng cao trong năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm.
Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2022 giảm tới 10.400 tỷ đồng so với năm 2021. Việc giảm chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm là một trong những yếu tố góp phần giúp Prudential đạt lợi nhuận lớn năm 2022.
Đơn vị: Tỷ đồng (Nguồn: Tổng hợp). |
Không phải khoản đầu tư nào cũng mang lại trái ngọt
Ngành kinh doanh bảo hiểm có đặc thù là dòng tiền đều đặn và nắm giữ lượng tiền lớn của khách hàng. Số tiền này thường được các công ty bảo hiểm sử dụng một phần để đầu tư, tạo thêm nguồn thu nhập trả lãi khách hàng.
Thông thường, số tiền phí thu từ khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đem gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu địa phương. Ngoài ra, một phần trong lượng vốn này cũng được các công ty bảo hiểm dùng để mua các loại tài sản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…
Về các khoản đầu tư, tại Prudential, công ty cũng ưu tiên đầu tư tài chính dài hạn hơn ngắn hạn.
Chẳng hạn, tại thời điểm cuối năm 2022, bảo hiểm Prudential có các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty tăng 6,2% lên 108.924 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ các quỹ liên kết đơn vị và khác quỹ liên kết đơn vị hơn 15.400 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty tăng 60% lên 31.984 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải khoản đầu tư nào cũng mang lại trái ngọt. Do biến động từ thị trường chứng khoán, công ty ghi nhận khoản lỗ gần 300 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán.
Cùng với việc đánh giá lại các khoản đầu tư của quỹ liên kết cũng khiến doanh nghiệp bảo hiểm này ghi nhận khoản lỗ gần 3.000 tỷ đồng.
Hiện tại, Prudential Việt Nam đang là doanh nghiệp bảo hiểm đang đầu tư vào chứng khoán với số tiền lớn nhất.
Prudential Việt Nam thậm chí chi hơn 11.500 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu, gấp gần 2 lần so với vốn điều lệ. Danh mục của Prudential bao gồm các chứng khoán niêm yết và chứng khoán đã đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Dù giá trị đầu tư lớn song Prudential không nêu cụ thể các mã chứng khoán mà đơn vị này đang nắm giữ. Công ty cũng không thông tin có đang dự phòng cho đầu tư chứng khoán hay không và số dự phòng chi tiết là bao nhiêu.