Riêng tháng 10, PV GAS ghi nhận trên 725 tỷ đồng tiền lãi.
Tại toạ đàm về tiêu thụ khí chiều 9/11, đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS, mã GAS) cho biết, trong 10 tháng năm 2023, PV GAS đã cung cấp trên 6,1 tỷ m3 khí khô, bằng 97% kế hoạch 10 tháng, góp phần giải quyết nhu cầu khí cho sản xuất điện, đáp ứng đáng kể nhu cầu điện giai đoạn cao điểm mùa khô.
Bên cạnh đó, sản xuất và cung cấp trên 71.000 tấn condensate, vượt 12% kế hoạch 10 tháng; sản xuất và kinh doanh trên 2 triệu tấn LPG (xuất khẩu, kinh doanh quốc tế trên 700.000 tấn), vượt 38% kế hoạch 10 tháng (về đích trước kế hoạch năm 3 tháng). Đồng thời, tiếp tục duy trì lượng khí cung cấp để sản xuất gần 10% sản lượng điện, 70% sản lượng phân đạm và đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.
Tính đến hết tháng 10/2023, doanh thu toàn Tổng công ty đạt trên 95.000 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch 10 tháng; doanh thu hợp nhất đạt trên 77.000 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch 10 tháng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 12.000 tỷ đồng, vượt 78% kế hoạch 10 tháng và vượt 47% kế hoạch lợi nhuận năm. Nộp ngân sách Nhà nước trên 5.000 tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch 10 tháng (trong đó, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách đã về đích trước 4-6 tháng).
Trước đó, 9 tháng đầu năm, PV GAS ghi nhận doanh thu đạt 67.411 tỷ đồng; LNTT đạt 11.275 tỷ đồng. Như vậy tính riêng tháng 10, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt khoảng 9.600 tỷ đồng, LNTT đạt khoảng 725 tỷ đồng.
Đại diện PV GAS cho biết, "Việc tiêu thụ khí khô của PV GAS trong 10 tháng qua với khách hàng điện thấp hơn so với kế hoạch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương giao, chỉ bằng 97% so với cùng kỳ năm 2022. Thực tế cho thấy nhu cầu tiêu thụ khí của khách hàng công nghiệp ở mức thấp do thiếu đơn hàng; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phát triển liên quan đến ngành khí chưa được sửa đổi, ban hành phù hợp với tình hình mới".
Cũng theo PV GAS, việc hoàn thành công tác chạy thử chuỗi dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải trong tháng 7/2023 cùng các hoạt động bảo dưỡng sửa chữa hệ thống công trình khí được thực hiện theo quy trình, có chất lượng và đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định; công tác ấn định, điều độ khí linh hoạt, hiệu quả; thực hiện chế độ vận hành tối ưu, gia tăng sản lượng sản phẩm lỏng từ các nhà máy xử lý khí đã đóng góp tích cực vào hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của PV GAS.
>>Lô B - Ô Môn tăng tốc chạy đà, chuyên gia tiết lộ doanh nghiệp dầu khí hưởng lợi đầu tiên
PV GAS (GAS) và PV Power (POW) ký hợp đồng mua bán lô khí LNG đầu tiên cho nhà máy điện Nhơn Trạch
PV Gas (GAS) có 4.400 tỷ đồng nợ xấu, khách hàng 'khó đòi' nhất là một ông lớn ngành điện