Trong bối cảnh giá dầu thô neo cao và ký được nhiều hợp đồng lớn trong mảng xây lắp & cơ khí, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) có thể vượt 71% mục tiêu cả năm.
Theo đánh giá mới nhất từ Vietcombank Securities (VCBS), lãi ròng dự kiến của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) năm 2023 là 958 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022 và vượt 71% so với kế hoạch cả năm. VCBS cũng dự báo rằng lãi ròng của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong năm 2024 sẽ tăng 10%, đạt 1.051 tỷ đồng.
Những ước tính này được đưa ra dựa trên dự báo giá dầu Brent tiếp tục duy trì ở mức cao, ổn định trên 85 USD/thùng trong năm 2024. Việc giữ giá dầu ở mức cao dự kiến sẽ thúc đẩy các dự án thăm dò và khai thác dầu khí, mang lại nguồn việc ổn định cho các doanh nghiệp như Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Điểm độc đáo cho tăng trưởng dài hạn của công ty nằm ở những lĩnh vực dịch vụ mà doanh nghiệp có kinh nghiệm và có khả năng cung ứng gần như là độc quyền, bao gồm mảng cơ khí và xây lắp công trình biển (M&C), cũng như mảng dịch vụ kho nổi FSO/FPSO.
Ban lãnh đạo PVS chia sẻ rằng trong năm 2024, mảng dịch vụ cảng và mảng M&C của doanh nghiệp có thể sẽ hưởng lợi từ các dự án điện gió ngoài khơi mới được ký kết, bao gồm dự án Lô B – Ô Môn và dự án Lạc Đà Vàng tại Việt Nam.
Một số dự án được PVS triển khai giai đoạn 2023-2024. (Nguồn: Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, VCBS tổng hợp) |
Với mảng M&C, đây tiếp tục là lĩnh vực chiến lược của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, tập trung chủ yếu vào các dự án off-shore, các công trình dầu khí truyền thống, và đặc biệt là việc tham gia tích cực trong các chào thầu liên quan đến các gói thầu điện gió ngoài khơi.
Đầu tháng 11/2023, Tập đoàn Murphy Oil (Mỹ) đã đưa ra Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án mỏ dầu Lạc Đà Vàng tại Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư lên đến 693 triệu USD và kế hoạch khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên (First Oil) từ mỏ này vào năm 2026.
Hiện tại, VCBS đánh giá cao khả năng Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ được chọn làm đơn vị thi công cho các công trình trung tâm xử lý và các công trình phụ trợ của mỏ Lạc Đà Vàng, với giá trị hợp đồng lên đến 100 triệu USD.
Bên cạnh đó, "siêu" dự án Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào giữa năm 2024. Chính phủ và các đơn vị liên quan đang nỗ lực để giải quyết những vấn đề cuối cùng của chuỗi dự án này, bao gồm việc ký kết hợp đồng bán khí GSA cho nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3&4.
Nếu chuỗi dự án Lô B - Ô Môn chính thức có FID, điều này sẽ mang lại lượng công việc tiềm năng lớn cho mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong những năm sắp tới. Trong quý 3 gần đây, liên doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã được trao gói thầu trị giá 1 tỷ USD trong phạm vi dự án thành phần của chuỗi dự án Lô B - Ô Môn.
Diễn biến giá cổ phiếu PVS từ đầu năm 2023 đến nay |
Theo ước tính, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ bắt đầu thi công cho chuỗi dự án Lô B - Ô Môn với giá trị công việc khoảng 100 triệu USD và khi FID được chính thức ký, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh việc thi công trong nửa cuối năm 2024.
Đối với mảng dịch vụ kho nổi FSO/FPSO, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí hiện tại đang vận hành 6 tàu FSO/FPSO. Đội tàu FSO/FPSO của doanh nghiệp có hiệu suất hoạt động liên tục và đều đã ký hợp đồng dài hạn. Với kỳ vọng giá dầu duy trì ở mức trên 85 USD/thùng trong 2024, VCBS kỳ vọng mảnh dịch vụ kho nổi FSO/FPSO vẫn sẽ đóng góp doanh thu/lợi nhuận ổn định cho PVS, đặc biệt trong trường hợp các dự án lớn như Lô B - Ô Môn, Lạc Đà Vàng đi vào hoạt động.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 25/12, thị giá cổ phiếu PVS đạt 38.500 đồng/cổ phiếu, tăng 82% so với hồi đầu năm nay.
>> Liên danh PVS - LM8 chính thức tiếp nhận gói thầu gần 1,3 tỷ USD thuộc dự án Lô B - Ô Môn
Tiềm năng ngành nước với các thương vụ M&A
Thiếu vốn, một công ty dầu khí tiếp tục gia hạn trả lãi 400 tỷ đồng trái phiếu