Quảng Bình lý giải nguyên nhân đề xuất 2 vị trí nhà ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, việc đề xuất 2 vị trí nhà ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhằm để các Bộ, ngành đánh giá tổng thể, sau đó sẽ chọn ra vị trí cuối cùng.
Ngày 5/11, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đã thông tin về đề xuất 2 vị trí nhà ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo lý giải của Sở này, mục đích của việc đề xuất nhằm để các Bộ, Ban ngành có cơ sở đánh giá tổng thể và chọn lựa vị trí tối ưu.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để lấy ý kiến về hồ sơ giải trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung xây dựng TP. Đồng Hới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đoạn qua tỉnh Quảng Bình hiện có hai phương án về vị trí nhà ga.
Một góc TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Internet |
Phương án 1 đề xuất xây dựng ga tại xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch) và phương án 2 tại xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới). Mỗi vị trí có những ưu và nhược điểm riêng về địa lý, địa hình, khả năng phát triển hạ tầng kỹ thuật kết nối, và tiềm năng phát triển trong tương lai.
>> Nam Định sắp có cầu vượt sông hơn 580 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo lựa chọn vị trí nhà ga phù hợp với quy mô đầu tư, điều kiện địa hình tự nhiên, và định hướng phát triển của tỉnh, đặc biệt là khu vực đô thị Đồng Hới.
Phối cảnh Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Ảnh minh họa |
Việc chọn vị trí phù hợp sẽ giúp tăng tính khả thi trong xây dựng, vận hành nhà ga hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoặc nâng cấp nhà ga và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối dài hạn.
UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ KH&ĐT có phương án bảo vệ môi trường cho đoạn tuyến đi qua hành lang bảo vệ và lòng hồ chứa nước Vực Tròn, đảm bảo không gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp trong quá trình thi công và khai thác.
Ngoài ra, cần xác định hướng tuyến để hạn chế ảnh hưởng đến hành lang an toàn của các đường dây điện 500kV, 220kV và 110kV trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh đoạn tuyến qua khu vực Đền An Sinh (huyện Lệ Thủy) về phía Đông nhằm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch của địa phương.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD với tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350 km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm. Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách.
Trong báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD) và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD. Trong đó, 5 tỷ USD từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ quỹ đất. Theo phương án đề xuất, địa phương sẽ giữ lại 8,5 tỷ USD trong tổng số này, còn 8,5 tỷ USD sẽ được góp vào đầu tư cho dự án.