Quảng Ninh: Chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân
Chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân là một trong những khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
An cư cho người lao động
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, là một địa bàn kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước, tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều dự án đầu tư sản xuất, đặc biệt là ngành khai khoáng. Hiện Quảng Ninh đang có hơn 430.000 công nhân. Với số lượng công nhân lao động lớn, nhu cầu về nhà ở cho người lao động của tỉnh hiện rất cao.
Việc hình thành các khu nhà ở, khu đô thị trên đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, thu hút và phát triển đa dạng loại hình nhà ở, nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở; đáp ứng yêu cầu hạ tầng, nhà ở ngày càng cao của người dân, từ đó thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển đô thị, phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít người dân, công nhân lao động vẫn còn khó khăn về đất ở, nhà ở cần có sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Trước vấn đề đó, Quảng Ninh nhiều năm trăn trở tìm các giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp ở khu vực đô thị.
Từ năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Đề án chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ về phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Năm 2017, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2017-2020. UBND tỉnh mới có chỉ đạo cụ thể về thực hiện đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo, ưu tiên quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị, nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở công nhân. Các KCN tập trung đều dành quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân, và đã có nhiều dự án được đầu tư phát huy hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội như: TKV đã đầu tư xây dựng khoảng 30 dự án nhà ở tập thể, với 2.720 căn hộ, đáp ứng chỗ ở gần 8.000 công nhân (khoảng 7.600 công nhân độc thân và 400 hộ gia đình). Các đơn vị trong Tổng Công ty Đông Bắc đã đầu tư xây dựng 2 khu nhà ở tập thể công nhân, với tổng diện tích đất trên 10,6 ha, tổng số trên 1.000 căn chung cư, đủ đáp ứng chỗ ở cho trên 4.500 công nhân hầm lò. KCN Hải Yên ở TP Móng Cái đầu tư xây dựng được 4 khối nhà ở tập thể 5 tầng, với tổng số 696 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4.000 công nhân...
Theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Hải Hà: KCN Texhong Hải Hà được đầu tư và đi vào hoạt động nhiều năm nay. Hiện tại trong KCN đang có 16 nhà máy hoạt động, với gần 13.000 công nhân. Theo định hướng phát triển của tỉnh, huyện và chủ đầu tư KCN, tới đây sẽ tiếp tục có thêm nhiều dự án đầu tư sản xuất đi vào hoạt động nữa. Như vậy, nhu cầu sử dụng lao động sẽ tiếp tục tăng cao.
Thực tế hiện nay số công nhân lao động làm việc trong KCN phần lớn là người lao động từ tỉnh ngoài đến, do hiện tại trong KCN còn rất nhiều người lao động nên công nhân phải thuê trọ. Đặc biệt, công nhân lao động trong KCN chủ yếu là lớp thanh niên trẻ, họ đều đang ở độ tuổi cần lập gia đình để “an cư, lạc nghiệp” nhưng vì nơi ăn, chốn ở chưa đảm bảo nên tâm lý của người lao động không được ổn định, không gắn bó với doanh nghiệp.
Rà soát kỹ nhu cầu thực tế
Theo Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh: Thời gian qua, Quảng Ninh đã chú trọng triển khai nhiều dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao đông.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy đã quyết liệt chỉ đạo việc quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất sạch, vị trí, mặt bằng, các tiện ích và khả năng kết nối tháo gỡ nút thắt về nhà ở cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp tới làm việc tại Quảng Ninh.
Hiện, đã có 3 dự án đã khởi công và dự kiến năm nay sẽ hoàn thành khoảng 1.580 căn hộ, gồm: Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Đông Mai, Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi ngân hàng, TP Hạ Long và dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên. Khi hoàn thành toàn bộ 3 dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu khoảng 2.250 căn hộ cho người lao động. Dự kiến sẽ có 6 dự án khởi công trong giai đoạn 2023-2024 với tổng số 2.370 căn hộ. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 388 ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, giao chỉ tiêu cho Quảng Ninh tới năm 2030 hoàn thành ít nhất 18.000 căn nhà ở xã hội.
Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần để nghe và cho ý kiến tình hình triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, lao động thu nhập thấp và việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện một số chỉ tiêu liên quan tới giải quyết 20.000 việc làm mới, 50.000 chỗ ở tái định cư, trên 70% tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam 02:2009 Bộ Y tế theo Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy.
Theo Tỉnh ủy Quảng Ninh, những năm qua, tỉnh đã chủ động thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp và nhà ở cho lao động thu nhập thấp một cách bài bản, chiến lược, lâu dài, đồng bộ và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế của người lao động thì kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.
Để phát triển nhà ở cho người lao động ngành than, KCN, người thu nhập thấp, Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc Quyết định số 388 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2279 của UBND tỉnh; theo đó, phải có kế hoạch chi tiết, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, phải rà soát kỹ hơn nhu cầu thực tế, lộ trình thực hiện về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong ngành than, khu công nghiệp, các doanh nghiệp và nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp.
Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát và phân rõ các dự án đã triển khai, các dự án có chủ trương cho nghiên cứu vị trí quy hoạch, đầu tư nhưng chưa triển khai và cả những vị trí quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, quỹ đất 5%... để công khai, mời gọi thu hút các nhà đầu tư. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là quá trình triển khai đầu tư dự án để người lao động tiếp cận các căn hộ chi phí hợp lý, giá cả phù hợp với khả năng chi trả và không để xảy ra tình trạng đầu cơ.
Theo Tỉnh ủy Quảng Ninh: Từ nay đến cuối năm, các ngành, địa phương tăng cường kết nối, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong KCN; kết nối cung-cầu hiệu quả; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo thu hút lao động; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ để thu hút lao động về với tỉnh.
Sắp tái sinh tuyến đường sắt 7.600 tỷ 'đắp chiếu' gần 20 năm
Phường rộng nhất Việt Nam sở hữu mỏ ‘vàng đen’, là trục giao thông của 2 tuyến quốc lộ quan trọng