Đà giảm của giá quặng sắt sẽ giúp hạ nhiệt giá vật liệu xây dựng, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thép và xây dựng trong nước.
Thị trường quặng sắt đang trải qua chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 6/2022. Kết thúc phiên 03/05, hợp đồng quặng sắt tháng 5 trên Sở Giao dịch Singapore giảm 0,82% về 101,28 USD tấn.
Công ty sản xuất thép niêm yết lớn nhất Trung Quốc, Baoshan Iron & Steel Co, dự báo sản lượng thép thô của nước này trong năm 2023 sẽ không thay đổi, thậm chí có thể giảm so với năm 2022, do các chính sách hạn chế sản lượng thép của Chính phủ để hạn chế ô nhiễm. Quặng sắt vốn là nguyên liệu chính để sản xuất thép, nên triển vọng tiêu thụ bị ảnh hưởng nặng nề, khiến cho giá sắt lao dốc 4 tuần liên tiếp.
Tại châu Âu, Hiệp hội Thép Thế giới dự báo, do ảnh hưởng của xung đột giữa Nga – Ukraine, cùng với rủi ro suy thoái do áp lực từ chính sách tiền tệ thắt chặt, nhu cầu của khu vực này dự kiến sẽ giảm 0,4% trong năm nay, trước khi phục hồi 5,6% vào năm 2024.
Về phía Mỹ, lãi suất và giá đất cao đang gây áp lực tiêu cực lên hoạt động xây dựng, đặc biệt là nhà ở. Doanh số bán nhà và lượng nhật khởi công xây dựng tại Mỹ giảm lần lượt 2,4% và 0,8% trong tháng 3. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng cho biết, nhu cầu đối với quặng sắt và thép dự kiến sẽ giảm rõ rệt hơn trong nửa cuối năm 2023.
Bước sang quý 2, giá quặng sắt đã suy yếu rõ rệt, khi nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhập khẩu tới hơn 70% sản lượng quặng sắt mỗi năm, nên có sức ảnh hưởng lớn tới giá quặng sắt.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, Việt Nam nằm trong top 15 nước nhập khẩu và xuất khẩu thép trên thế giới, vì thế, giá quặng sắt hạ nhiệt sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước hưởng lợi khi chi phí đầu vào giảm xuống.
Bên cạnh đó, sắt thép cũng là nguyên liệu quan trọng của nền kinh tế, khi mà phần lớn sản lượng thép mỗi năm vẫn được tiêu thụ trong ngành xây dựng. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% với 7/11 nhóm hàng hóa giảm giá.
Đáng chú ý, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,83%, mức cao thứ hai, chỉ sau nhóm giáo dục. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng vẫn cao hơn 5,2% do giá nguyên vật liệu xây dựng như xi măng sắt thép, cát xây dựng cùng với chi phí giá thuê nhà ở tăng cao.
Sau 4 lần giảm liên tiếp kể từ đầu tháng 4, giá thép trong nước hiện đã ổn định trong 1 tuần qua, dao động từ 14.620 đồng/kg đến 16.680 đồng/kg tùy từng thương hiệu.
Đối với thép Hoà Phát, sau lần giảm mới nhất vào ngày 27/04, hiện giá thép cuộn CB240 chính thức thấp hơn hồi đầu năm 40.000 đồng/tấn, giao dịch ở mức 14,9 triệu đồng/tấn. Thép cây D10 CB300 chỉ còn cao hơn 370,000 đồng/tấn so mức giá đầu năm 2023.