Nhiều lần không thực hiện cam kết, Quốc Cường Gia Lai đã bị các “ân nhân” là BIDV, Sunny Island “bít” tín dụng và kiện ngược.
Lùm xùm giữa Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Quốc Cường Gia Lai không thực hiện đúng cam kết nên bị những người từng giúp đỡ mình quay xe. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ví dụ điển hình nhất.
Nhiều lần không thực hiện cam kết
Mối lương duyên giữa Quốc Cường Gia Lai - Sunny Island liên quan đến dự án Phước Kiển bắt đầu từ năm 2016. Đó là thời điểm Quốc Cường Gia Lai đứng bên bờ vực thẳm, không biết đi đâu về đâu sau chuỗi ngày lỗ thê thảm, nặng nề. Cổ phiếu QCG suốt thời gian dài “ngụp lặn” dưới mệnh giá.
Nhà đầu tư đã không ít lần lo ngại Quốc Cường Gia Lai phải đối diện với kịch bản xấu nhất là phá sản. Chính bản thân Tổng giám đốc Nguuyễn Thị Như Loan đã nhắc tới chuyện “tự tử”.
Đúng lúc Quốc Cường Gia Lai bi đát nhất, Sunny Island xuất hiện, trao cơ hội ra khỏi “vũng lầy” cho Quốc Cường Gia Lai.
Năm 2016, Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island ký một thỏa thuận ghi nhớ. Sunny Island sẽ "rót" cho Quốc Cường Gia Lai 50 triệu USD để công ty này có tiền tất toán khoản vay 1.600 tỷ đồng với BIDV. Đổi lại, Quốc Cường Gia Lai sẽ chuyển nhượng cho Sunny Island 100% quyền sở hữu trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Bắc Phước Kiển – Nhà Bè.
Đến hết tháng 10/2017, nếu Quốc Cường Gia Lai không giải tỏa mặt bằng xong, không giao được đất sạch ở dự án Bắc Phước Kiển - Nhà Bè thì công ty sẽ phải đền bù 100 triệu USD hoặc giao toàn bộ dự án này cho Sunny Island.
Tuy nhiên, tháng 4/2017, Quốc Cường Gia Lai có lần “quay xe” thứ nhất với Sunny Island khi thanh lý biên bản thỏa thuận trên với lý do chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và còn phải đàm phán thêm về giá chuyển nhượng.
Đáng chú ý, dù đã thanh lý biên bản thỏa thuận nhưng Quốc Cường Gia Lai vẫn được Sunny Island “rót tiền”. Đến cuối năm 2017, tổng số tiền mà Quốc Cường Gia Lai nhận từ Sunny Island là 2.882,8 tỷ đồng (tương đương 126,5 triệu USD).
Đây thực sự là “liều doping” cho cổ phiếu QCG. Nhà đầu tư đón nhận thông tin này bằng cách tranh mua QCG, giúp QCG có chuỗi 16 phiên tăng trần liên tiếp. Nhờ đó QCG lấy lại được mệnh giá sau chuỗi ngày rất dài giao dịch dưới mốc 10.000 đồng/cổ phiếu.
Chưa dừng lại ở đó, liều “doping” này còn giúp QCG đạt “đỉnh” 26.420 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/6/2017, tăng 22.990 đồng/cổ phiếu, tương đương 670% so với phiên cuối cùng của năm 2016.
Được rót vốn từ năm 2016 nhưng Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa làm được nhiều cho dự án. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết công ty đã làm được 5/7 bước tại dự án. Nhưng do các vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thủ tục, dự án vẫn chưa thể triển khai.
Điều đó có nghĩa gần 2.900 tỷ đồng của Sunny Island đã bị “giam” tại Quốc Cường Gia Lai suốt nhiều năm liền.
Không chỉ không thực hiện đúng thoả thuận với Sunny Island, Quốc Cường Gia Lai còn “lỡ hẹn” với một “ân nhân” khác là BIDV. Khi công ty gặp khó khăn về nguồn vốn, BIDV đã rót cả ngàn tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai. Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai từng có nguy cơ trở thành nợ xấu ngàn tỷ của ngân hàng này.
Bị kiện ngược, “bít” tín dụng
Có thể thấy, cả BIDV và Sunny Island đều là những đối tác rất lớn, xuất hiện đúng thời điểm Quốc Cường Gia Lai đối diện với muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, sau nhiều lần Quốc Cường Gia Lai không thực hiện đúng cam kết, các mối lương duyên này dần có kết cục “không có hậu”.
Sunny Island thực sự là “phao cứu sinh” của Quốc Cường Gia Lai nhưng sau nhiều năm Sunny Island rót gần 2.900 tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai, dự án vẫn là bãi đất trống, chưa thể triển khai.
Thế nhưng, tháng 12/2020, Quốc Cường Gia Lai khiến giới đầu tư bất ngờ khi nộp đơn khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp phát sinh từ “Hợp đồng hứa mua, hứa bán” dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển.
Tuy nhiên, mới đây, Sunny Island đã gửi đơn tố cáo Quốc Cường Gia Lai “có hành vi gian dối trong việc kê khai khống diện tích đã đền bù, giải phóng mặt bằng 84,1 hecta trong khi thực tế chỉ giao cho Sunny Island 64,2 hecta nhằm chiếm đoạt 2.882,8 tỉ đồng”.
Sau động thái này của Sunny Island, Quốc Cường Gia Lai đã gửi đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan chức năng của trung ương và TPHCM. Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, việc gửi đơn kêu cứu, mong muốn tranh chấp dân sự với đối tác Sunny Island ở dự án Phước Kiển được giải quyết đúng thẩm quyền tại VIAC, không bị hình sự hóa.
Trước đó, đối tác BIDV cũng đã thể hiện thái độ cứng rắn với BIDV.
Năm 2017, giới đầu tư xôn xao trước thông tin BIDV giảm lãi khủng cho Quốc Cường Gia Lai.
Cụ thể, QCG đề nghị phương án thanh toán toàn bộ khoản nợ vay gốc ngày 31/12/2016 và nợ lãi vào trước ngày 31/03/2017 và đề nghị được giảm 50% trên số lãi vay phải trả. BIDV Quang Trung chấp thuận đề nghị này. Như vậy, số lãi vay được giảm là 237 tỷ đồng.
Thế nhưng, đây không hẳn thông tin đáng để “ghen tị”. Bà Nguyễn Thị Như Loan thẳng thắn thừa nhận đây là một nỗi khổ nhục nhất của Quốc Cường Gia Lai trong thời kỳ khó khăn. “Khổ nhục” là vì để nhận được cái gật đầu từ BIDV, Quốc Cường Gia Lai phải trả giá đắt. Đó là “chấm dứt quan hệ tín dụng”. BIDV đã “bít” tín dụng với Quốc Cường Gia Lai.
Và có vẻ như BIDV thực hiện đúng “cam kết”. Tới thời điểm cuối quý 3/2021, BIDV không có tên trong danh sách các “chủ nợ” của Quốc Cường Gia Lai.
Các ngân hàng dường như cũng không mặn mà cấp tín dụng cho Quốc Cường Gia Lai. Tại thời điểm cuối quý 3/2021, vay và thuê tài chính (bao gồm cả ngắn han và dài hạn) của công ty chỉ là 473 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với số tiền 841 tỷ đồng công ty phải vay từ dàn lãnh đạo và công ty liên quan.
Trong đó, công ty mượn bà Nguyễn Thị Như Loan hơn 117 tỷ đồng, mượn Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc 423 tỷ đồng, công ty TNHH Sản xuất & KD Nhà Phạm Gia 153 tỷ đồng,…