Quốc Cường Gia Lai (QGC) chính thức phản hồi về mối liên quan tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn

30-05-2024 16:41|Nhật Hà

Tại văn bản phát đi ngày 29/5, phía Quốc Cường Gia Lai (QCG) nêu rõ, việc "có đấu giá hay không" là vấn đề pháp lý của dự án do cơ quan chính quyền và UBND TP quyết định theo thời kỳ cách đây 10 năm.

Quốc Cường Gia Lai (QGC) chính thức phản hồi về mối liên quan tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn
Ảnh minh hoạ

CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) vừa có văn bản phản hồi chính thức về mối liên quan tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn, Q4, TP. HCM với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) cùng các đối tác, cổ đông.

Trong văn bản, Quốc Cường Gia Lai khẳng định là bên mua ngay tình, không liên quan đến Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR). Theo đó, năm 2013, công ty đã đàm phán và ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng và đặt cọc cho CTCP Đầu tư và Thương mại Việt Tín do ông Dừa đại diện ký (gọi tắt là Công ty Việt Tín) về việc nhận chuyển nhượng 100% góp vốn Công ty TNHH Phú Việt Tín, chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, Q4, Tp. HCM. Công ty Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa làm đại diện) và bà Lê Y Linh là bên được ủy quyền thực hiện của bên chủ sở hữu phần góp vốn chuyển nhượng này.

ss.png
Các bị can Lê Y Linh, Đặng Phước Dừa

Tổng giá vốn nhận chuyển nhượng 100% vốn góp này do Quốc Cường Gia Lai chi trả theo thỏa thuận kèm hóa đơn, chứng từ là 464,2 tỷ đồng, không phải là “xấp xỉ 6 tỷ đồng” như các cơ quan báo chí đăng tải.

Quốc Cường Gia Lai cũng cho biết chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa liên quan đến việc nhận chuyển nhượng vốn góp này.

Tháng 8/2014, Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng 79,2% vốn góp Công ty Phú Việt Tín từ Công TNHH TMTH Việt Tín do bà Lê Y Linh làm người đại diện; 19,8% vốn góp từ CTCP ĐTTM Việt Tín do ông Đặng Phước Dừa làm đại diện.

Ngày 8/9/2014, Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng 1% vốn góp từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai tỷ lệ 0,72% vốn góp (tương đương 43,2 triệu đồng vốn điều lệ) và Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa với tỷ lệ 0,28% vốn góp (tương đương 16,8 triệu đồng vốn điều lệ) theo sự sắp xếp và đề nghị của ông Dừa và bà Linh, đại diện bên bán dựa trên cơ sở Tập đoàn cao su đã có văn bản thống nhất ý kiến về việc chuyển nhượng vốn cho Công ty TNHH Việt Tín 80% (bà Lê Y Linh đại diện), chuyển nhượng cho CTCP Việt Tín 20% (ông Đặng Phước Dừa làm đại diện), giai đoạn 1 chuyển nhượng 99%, giai đoạn 2 chuyển nhượng 1%.

>> Lãnh đạo VRG lên tiếng về dự án 39-39B Bến Vân Đồn

Trước khi thực hiện giao dịch này, Quốc Cường Gia Lai đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý công ty Phú Việt Tín cũng như hồ sơ pháp lý dự án đầy đủ và đúng quy định thì mới ký Hợp đồng để nhận chuyển nhượng. Cụ thể như sau:

Ngày 25/3/2010, UBND TP. HCM có quyết định số 1366 thu hồi và giao đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn cho Công ty TNHH Phú Việt Tín.

Theo giấy phép Đăng ký kinh doanh ngày 7/4/2010 thành viên của Công ty TNHH Phú Việt Tín là Công ty Retro Havest Finance 80%, Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa 5,6%, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai 14,4%.

Theo đó, Công ty Retro Harvest có ủy quyền cho ông Đặng Phước Dừa - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Tín, bà Lê Y Linh có quyền định đoạt phần vốn góp với tỷ lệ 80%, đồng thời bên bán (đại diện là ông Dừa, bà Linh) cam kết chịu trách nhiệm chuyển nhượng cho bên mua toàn bộ 100% vốn của Công ty Phú Việt Tín.

Ngày 6/12/2023, Quốc Cường Gia Lai có ký hợp đồng hứa chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín do ông Dừa đại diện ký (gọi tắt là công ty Việt Tín) tại Công ty Phú Việt Tín.

QGC nhấn mạnh rằng: “Như vậy, việc nhận chuyển nhượng vốn góp Công ty TNHH Việt Tín – chủ đầu tư dự án 39 – 39B Bến Vân Đồn được thực hiện giữa Quốc Cường Gia Lai và Công ty Việt Tín, cùng ông Đặng Phước Dừa và bà Lê Y Linh bên được uỷ quyền thực hiện.

Lý do quan trọng và chính đáng nhất là Tập đoàn Cao su Việt Nam đã có văn bản thống nhất việc chuyển nhượng cho TNHH TMTH Việt Tín 80% và CP ĐTTM Việt Tín 20% (Giai đoạn 1: 99%, Giai đoạn 2: 1%)”.

Về việc triển khai dự án và chuyển nhượng lại vốn góp theo quy định của pháp luật, Quốc Cường Gia Lai cho biết dự án 39-39B Bến Vân Đồn có vị trí đẹp, đắc địa, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, khi đó Quốc Cường Gia Lai còn dự định làm bến du thuyền kết nối từ dự án này thông với dự án Phước Kiển Nhà Bè (TP. HCM) để đón khách hàng đi thăm quan dự án Phước Kiển bằng thuyền và ca nô.

Tuy nhiên HĐQT công ty đưa ra kế hoạch nếu tài chính tập trung vào Phước Kiển thì dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn phải chậm lại, không thể đầu tư 2 dự án cùng lúc, từ đó HĐQT quyết định bán.

Lý do bán mà rất tiếc là vì lúc này kênh Bến Nghé đã được đầu tư vào thi công cải tạo, dòng nước ở kênh này trong xanh và không còn hôi thối như trước đây, giá trị tăng lên gấp bội lần, HĐQT công ty nhận thấy tiềm năng này nhưng phải hy sinh vì dự án Phước Kiển, bán để bớt gánh nặng về tài chính, tránh rủi ro cho công ty và cổ đông.

Khi tiếp cận, đàm phán và thương lượng, Quốc Cường Gia Lai nhận thấy đây là dự án đủ pháp lý theo quy định hiện hành nên mới quyết định nhận chuyển nhượng vốn góp Công ty Phú Việt Tín, đại diện bên bán là Bà Linh và ông Dừa có đăng ký giấy phép kinh doanh thể hiện rõ tại sở kế hoạch đầu tư TP. HCM.

"Việc "CÓ ĐẤU GIÁ HAY KHÔNG" là vấn đề pháp lý của dự án do cơ quan chính quyền và UBTP quyết định theo thời kỳ cách đây 10 năm", văn bản từ phía Quốc Cường Gia Lai nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây...

>> Lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai (QCG) lên tiếng về 39-39B Bến Vân Đồn - dự án liên quan đến VRG và Novaland (NVL)

GVR muốn mở rộng quỹ đất thêm 16.500ha tại vùng Đông Nam Bộ

GVR bầu mới 3 thành viên HĐQT, dự kiến chi 1.200 tỷ đồng trả cổ tức

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-cuong-gia-lai-qgc-chinh-thuc-phan-hoi-ve-moi-lien-quan-tai-du-an-39-39b-ben-van-don-236831.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Quốc Cường Gia Lai (QGC) chính thức phản hồi về mối liên quan tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn
POWERED BY ONECMS & INTECH