Quốc gia châu Á trở thành 'thiên đường mới' của dòng vốn toàn cầu giữa bão thuế quan
Ấn Độ nổi lên như một điểm đến chiến lược mới cho dòng vốn quốc tế, khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nền kinh tế nội địa tăng trưởng và vị thế thay thế tiềm năng cho Trung Quốc.
Các quỹ đầu tư toàn cầu đang đổ mạnh vốn vào Ấn Độ, thúc đẩy hàng loạt thương vụ tài trợ doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD và đẩy thị trường chứng khoán nước này lên mức cao nhất trong gần bảy tháng. Giới đầu tư kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ ba châu Á sẽ hưởng lợi từ căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chỉ số NSE Nifty 50 đã tăng lên mức đỉnh kể từ tháng 10/2024, sau những phát biểu tích cực từ Tổng thống Donald Trump, làm dấy lên hy vọng rằng Ấn Độ có thể là một trong những quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng tận dụng cơ hội. Tập đoàn Shapoorji Pallonji vừa huy động được khoản tín dụng tư nhân trị giá 3,4 tỷ USD, trong khi Reliance Industries Ltd. cũng đạt được khoản vay tương đương 2,98 tỷ USD. Những thương vụ này cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của nợ doanh nghiệp Ấn Độ đối với nhà đầu tư quốc tế.
Động lực phía sau là sự kết hợp giữa các yếu tố vĩ mô thuận lợi: Chính phủ Ấn Độ đẩy mạnh nỗ lực đưa đất nước hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ giữ lập trường tiền tệ ôn hòa, khiến lợi suất trái phiếu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm, qua đó củng cố tâm lý thị trường.
“Ấn Độ có thể là người chiến thắng lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump nếu biết tận dụng cơ hội”, chuyên gia kinh tế cấp cao Trinh Nguyen từ Natixis (Hồng Kông) nhận định. “Quốc gia này không chỉ cung cấp trái phiếu với lợi suất hấp dẫn mà còn mang lại mức sinh lời trên vốn tốt cho các nhà đầu tư cổ phiếu".
Phát biểu hôm 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Ấn Độ đã đề xuất gỡ bỏ toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng S. Jaishankar nhanh chóng lên tiếng xác nhận rằng các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành. Bộ trưởng Thương mại Piyush Goyal dự kiến sẽ sang Mỹ vào cuối tuần để tiếp tục đàm phán.
Tâm lý của giới đầu tư quốc tế đã thay đổi đáng kể trong thời gian ngắn, với nhiều nhà quản lý quỹ như Franklin Templeton và Federated Hermes thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn đến thị trường Ấn Độ. Theo khảo sát gần đây của BofA Securities, cổ phiếu Ấn Độ đang trở thành khoản đầu tư được ưa chuộng nhất trong số các nhà quản lý quỹ châu Á.
Từ tháng 10 đến tháng 2, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng hơn 25 tỷ USD cổ phiếu Ấn Độ. Tuy nhiên, chỉ trong quý này, dòng vốn quay trở lại với hơn 2,5 tỷ USD được rót vào thị trường, bất chấp những biến động từ căng thẳng thương mại toàn cầu và xung đột biên giới với Pakistan. Chỉ số Nifty từng chạm đáy nhiều tháng vào ngày 7/4 khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, nhưng đến nay đã phục hồi mạnh mẽ, chỉ còn cách đỉnh lịch sử thiết lập vào tháng 9 khoảng 5%.
Giới đầu tư đang xem Ấn Độ như một điểm đến an toàn tương đối trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều bất ổn, nhờ nền kinh tế định hướng nội địa của quốc gia này. Ngoài ra, mức thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Ấn Độ hiện vẫn thấp hơn đáng kể so với thuế dành cho Trung Quốc, biến Ấn Độ thành lựa chọn thay thế tiềm năng cho các tập đoàn như Apple Inc.

Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ của Apple mới đây đã vấp phải phản ứng từ ông Trump, cho thấy những thách thức đối với các công ty Mỹ khi tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Trump cho biết ông đã yêu cầu CEO Tim Cook dừng việc xây dựng thêm nhà máy tại Ấn Độ và thay vào đó, tập trung mở rộng sản xuất trong nội địa Mỹ.
Theo Wei Liang Chang, chiến lược gia vĩ mô tại DBS Group Holdings Ltd., thị trường nội địa rộng lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh và khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ là những yếu tố khiến Ấn Độ trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư tín dụng toàn cầu.
Tuy nhiên, triển vọng tươi sáng này không đi kèm với sự đảm bảo tuyệt đối. Những rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu, đặc biệt là sau các cuộc đụng độ bất ngờ với Pakistan gần đây — một lời nhắc nhở rõ ràng về các yếu tố có thể cản trở tham vọng xây dựng hạ tầng quy mô lớn của Thủ tướng Narendra Modi. Chính phủ Ấn Độ đang tích cực thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, giao thông và công nghệ.
Dẫu vậy, trong thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư dường như vẫn đặt niềm tin vào đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế của quốc gia Nam Á này.
“Giả định then chốt là Ấn Độ và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại nhất định, đi cùng với sự ổn định vĩ mô trong và ngoài nước", Michael Wan, chuyên gia phân tích tiền tệ cấp cao tại MUFG Bank, nhận định trong một báo cáo nghiên cứu mới đây.
Tham khảo The New York Times, BNN
>> Tỷ phú Lý Gia Thành mắc kẹt giữa hai siêu cường, giới đầu tư Hồng Kông 'ngồi trên đống lửa'
Ấn Độ đe dọa siết ‘nguồn sống’ của Pakistan, Trung Quốc ngư ông đắc lợi
Quốc gia châu Á muốn bắt tay Mỹ thách thức vị thế siêu cường hàng hải của Trung Quốc