Dòng vốn toàn cầu tháo chạy khỏi thị trường mới nổi, chuyện gì đã xảy ra?
Mặc dù một số thị trường cận biên như Pakistan, Kenya và Sri Lanka ghi nhận sự phục hồi trong năm 2024 nhưng không có thị trường mới nổi lớn nào vượt trội hơn thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay.
Thị trường mới nổi lại trải qua một năm không có gì để ăn mừng, đặc biệt viễn cảnh thuế quan và căng thẳng thương mại dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump đang khiến nhiều nhà đầu tư suy nghĩ tới việc từ bỏ hoàn toàn.
Từ cổ phiếu đến tiền tệ và trái phiếu, thị trường mới nổi vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư trong năm nay.
Sarah Ponczek, Cố vấn tài chính tại BV Group thuộc UBS Private Wealth Management nhận định: "Không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư muốn rút lui khỏi thị trường mới nổi. Bạn có thể nói về lợi ích lâu dài của đa dạng hóa toàn cầu, nhưng ngày càng có nhiều người chỉ muốn bàn về AI, S&P 500 và 7 cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn".
Mặc dù một số thị trường cận biên như Pakistan, Kenya và Sri Lanka ghi nhận sự phục hồi trong năm 2024 nhưng không có thị trường mới nổi lớn nào vượt trội hơn thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay.
Chỉ số tham chiếu MSCI Emerging Market tăng chưa đến 5% so với đầu năm, “tụt hậu” so với S&P 500 suốt 11 năm qua. Trong giai đoạn đó, cổ phiếu Mỹ mang lại cho nhà đầu tư tổng lợi nhuận khoảng 430%, gấp 10 lần so với cổ phiếu thị trường mới nổi.
Điểm yếu cốt lõi của thị trường mới nổi nằm ở việc không thể vượt qua sức mạnh của đồng USD. Chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của JPMorgan Chase & Co. đang hướng tới năm thua lỗ thứ 7 liên tiếp.
Trong năm 2024, ngoại trừ đồng Rand Nam Phi và đồng Ringgit Malaysia, ít nhất 9 đồng tiền của thị trường mới nổi giảm 10% trở lên.
Với việc ông Trump cam kết sẽ áp thuế đối với các thị trường mới nổi từ Trung Quốc đến Mexico, Bradley Wickens, CEO của Broad Reach nhận định thị trường mới nổi sẽ còn “ảm đạm” hơn nữa.
Hồi đầu tuần, ông đã bày tỏ sự hào hứng về các cơ hội ở thị trường mới nổi cho năm 2025 nhưng chủ yếu vì ông tin rằng sẽ có lợi nhuận từ việc bán khống chúng.
Dina Ting, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư chỉ số toàn cầu tại Franklin Templeton: "Mỹ được xem là nơi trú ẩn an toàn, không chỉ từ góc độ tiền tệ mà còn cả về mặt cổ phiếu nên rất khó để đi ngược lại xu hướng".
Mọi thứ cũng chẳng khá hơn đối với tài sản có thu nhập cố định. Từ tháng 10/2023, nhiều nhà quản lý tiền tệ toàn cầu đã đặt cược vào sự vượt trội của trái phiếu thị trường mới nổi định danh bằng nội tệ.
Họ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất có khả năng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hạ lãi suất theo.
Tuy nhiên, điều đó đã sai ở hai điểm: Thứ nhất, nhiều thị trường mới nổi không thể bắt đầu hoặc tiếp tục chu kỳ nới lỏng của riêng mình do lo ngại lạm phát dai dẳng cũng như mối đe dọa mới như kế hoạch thuế quan của ông Trump.
Thứ hai, trái phiếu bằng nội tệ có hiệu suất kém hơn so với các tài sản ở thị trường phát triển.
Đầu năm nay, công ty quản lý đầu tư Grantham Mayo Van Otterloo & Co đã quảng bá trái phiếu thị trường mới nổi bằng nội tệ là cơ hội mua vào "chỉ có một lần trong đời".
Tuy nhiên thực tế, trái phiếu Chính phủ bằng nội tệ tại thị trường mới nổi chỉ mang lại lợi suất 2% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với trái phiếu Chính phủ Mỹ hoặc trái phiếu lợi suất cao của Mỹ - vốn có mức sinh lời 8%.
Luis Oganes, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại JPMorgan cho biết khi Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9/2024, họ đã hy vọng dòng vốn sẽ thôi rút khỏi các quỹ thị trường mới nổi và kết thúc 3 năm rút ròng liên tiếp. Tuy nhiên, hy vọng này đã tan biến sau khi ông Trump tái đắc cử.
Tính tới ngày 20/12, các quỹ trái phiếu chuyên về thị trường mới nổi đã bị rút ròng tới 23 tỷ USD, theo dữ liệu EPFR Global.
"Chúng tôi hy vọng rằng năm 2025 sẽ là sự trở lại của dòng vốn vào thị trường mới nổi nhưng với sự bất ổn này, ngay cả khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, điều đó cũng khó có thể xảy ra”, Oganes nhận xét.
>> Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới 'lung lay': Người dân nợ nần chồng chất, làn sóng phá sản bùng nổ
Đón dòng vốn tỷ đô từ Trung Quốc, Thái Lan dẫn đầu cuộc đua xe điện ở Đông Nam Á
Dòng vốn bị rút ra ồ ạt khỏi nền kinh tế Nhật Bản khiến đồng yên suy yếu