Quốc gia có GDP bình quân đầu người kém xa Việt Nam nhưng cứ 15 phút là có thêm 1 triệu phú
GDP bình quân đầu người của quốc gia này chỉ đạt 2.484 USD vào năm 2023 nhưng lại có số triệu phú tăng nhanh top đầu thế giới.
Năm 1993, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 185,19 USD, thấp hơn đáng kể so với GDP bình quân đầu người của Ấn Độ là 301,5 USD, theo dữ liệu của World Bank. Nhưng 30 năm sau, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt 4.346 USD, trong khi GDP Ấn Độ là 2.484 USD. Nghĩa là GDP bình quân Việt Nam đã gấp 1,7 lần GDP bình quân của Ấn Độ vào năm ngoái.
Tuy nhiên, Ấn Độ lại là quốc gia có số triệu phú tăng nhanh top đầu thế giới. Theo báo cáo gần đây của công ty tư vấn Capgemini, Ấn Độ hiện có khoảng 359.000 triệu phú sở hữu ít nhất 1 triệu USD. Tính riêng trong năm 2023, nước này đã có thêm 40.000 triệu phú mới, nghĩa là cứ 15 phút là có thêm 1 triệu phú.
Còn từ năm 2012 đến năm 2022, số lượng triệu phú của Ấn Độ đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 8,5%, vượt xa mức tăng trưởng GDP trung bình là 5,6%.
Theo The Economist, tại Ấn Độ, tuổi trung bình của những người có giá trị tài sản ròng cao đã thay đổi. Nếu trước đây, người giàu Ấn Độ từng có độ tuổi trung bình trên 50 thì hiện nay các triệu phú ở độ tuổi 40 và 30 đang ngày càng trở nên phổ biến.
Được biết, một số người dân đã được hưởng lợi từ việc Chính phủ thu hồi đất cho các dự án cơ sở hạ tầng. Hay nhiều người là doanh nhân thế hệ đầu tiên - chuyên sản xuất các sản phẩm tiêu dùng như bánh xốp, quần áo hoặc những hàng hóa thiết yếu, ví dụ như thép cây hoặc vòng bi. Một số triệu phú khác thì là những người sở hữu chuyên môn cao, làm nhân viên cho các công ty nhưng có quyền lựa chọn cổ phiếu.
Hiện tại, nền kinh tế thứ 5 thế giới đang ngày càng nhận được nhiều tín hiệu tích cực, vì vậy, nhiều nhà quản lý tài sản cũng kỳ vọng số lượng triệu phú tại Ấn Độ có thể sẽ tăng 15-20%/năm.
Tham khảo The Economist, World Bank