Quốc gia có GDP gấp gần 8 lần Việt Nam nhưng kém hạnh phúc thứ 2 thế giới

05-04-2024 11:38|Hải Yến

Theo báo cáo "Trạng thái tinh thần của thế giới", quốc gia nổi tiếng này bị xếp hạng là kém hạnh phúc thứ 2 thế giới.

Vương quốc Anh được mệnh danh là quốc gia kém hạnh phúc thứ hai trên thế giới trong một cuộc khảo sát do Sapien Labs - tổ chức khoa học thần kinh, tổ chức phi lợi nhuận xây dựng kho dữ liệu mở và các công cụ phân tích dữ liệu về bộ não con người - thực hiện. Theo khảo sát, sức khỏe tâm thần của người Anh đã sụt giảm kể từ đại dịch COVID-19 và "không có dấu hiệu phục hồi".

Được xuất bản vào tuần trước, báo cáo "Trạng thái tinh thần của thế giới" thường niên lần thứ tư của Sapien Labs đã đánh giá sức khỏe tinh thần của 419.175 người tham gia sử dụng Internet trên 71 quốc gia. Kết quả đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về thế giới nói tiếng Anh. Trong số 71 quốc gia được khảo sát, các quốc gia nói tiếng Anh như Anh, Ireland, Australia và New Zealand nằm ở nhóm cuối cùng, trong đó người dân Anh chỉ hạnh phúc hơn người dân Uzbekistan.

Với GDP là 3.587 tỷ USD tính tới tháng 2/2024, tức là gấp gần 8 lần so với Việt Nam (469 tỷ USD), nước Anh lại bị xếp hạng là quốc gia kém hạnh phúc thứ 2 trên thế giới

Với GDP là 3.587 tỷ USD tính tới tháng 2/2024, tức là gấp gần 8 lần so với Việt Nam (469 tỷ USD), nước Anh lại bị xếp hạng là quốc gia kém hạnh phúc thứ 2 trên thế giới

Cuộc khảo sát xếp Vương quốc Anh sau Yemen 8 bậc và sau Ukraine 12 bậc về sức khỏe tâm thần tổng thể của người dân. Khoảng 35% người Anh nói với Sapine Labs rằng họ "đau khổ hoặc đang gặp khó khăn", con số này chỉ giảm 0,7% kể từ năm 2023, khi Anh đứng ở vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng.

Để xác định sức khỏe tâm thần tổng thể của mỗi quốc gia, tổ chức này đã hỏi các cá nhân 47 câu hỏi về "tâm trạng và quan điểm", "cái tôi trong tương tác xã hội", "dịch chuyển và động lực" cũng như "khả năng thích ứng và khả năng phục hồi" cùng các yếu tố khác. Trong khi Sapien Labs lưu ý rằng câu trả lời cho những câu hỏi này vốn mang tính chủ quan, các báo cáo khác cũng đưa ra kết luận tương tự.

Trong bối cảnh mức sống sụt giảm chưa từng thấy trong lịch sử, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh vào tháng 11/2023 cho thấy người dân nước này đã trải qua sự sụt giảm về mức độ hạnh phúc và sự hài lòng cá nhân trong năm kết thúc vào tháng 3/2023. Theo một báo cáo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet vào tháng 2, khoảng 1,8 triệu người ở Anh hiện đang chờ được điều trị sức khỏe tâm thần.

Sapien Labs lưu ý rằng mức độ sức khỏe tinh thần trên khắp thế giới nói tiếng Anh đã giảm mạnh trong đại dịch COVID-19 và sự suy giảm này "tiếp tục kéo dài mà không có dấu hiệu phục hồi".

Bên cạnh đó, báo cáo cho thấy sức khỏe tinh thần thấp hơn đối với người dân ở những quốc gia thường ăn thực phẩm chế biến sẵn, trẻ em được cho dùng điện thoại thông minh sớm và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng xa cách hơn. Các quốc gia nói tiếng Anh, giàu có có điểm kém thuận lợi nhất trên cả ba chỉ số này.

Cộng hòa Dominica đứng đầu danh sách quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, tiếp theo là Sri Lanka ở vị trí thứ hai và Tanzania ở vị trí thứ ba. Tất cả 10 quốc gia hàng đầu đều là các nước châu Phi, châu Á hoặc châu Mỹ Latin.

Sapien Labs viết trong báo cáo: "Mô hình này cho thấy rằng sự giàu có và phát triển kinh tế hơn không nhất thiết đồng hành với sức khỏe tinh thần tốt hơn".

*Theo RT, statisticstimes.com

>> Nước Đông Nam Á đứng đầu danh sách 10 quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới

Biên giới quốc gia nhỏ nhất thế giới chỉ dài 85m

Quốc gia rộng gấp 7 lần Việt Nam phát hiện ‘kho báu’ vàng 200 tấn nhờ công nghệ cao, dự đoán tác động đến giá vàng toàn thế giới

Tuyến đường sắt đầu tiên và duy nhất chạy xuyên ba quốc gia ở Bắc Mỹ, dài 32.000km, góp phần kết nối thị trường, thúc đẩy kinh tế

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/quoc-gia-co-gdp-gap-gan-8-lan-viet-nam-nhung-kem-hanh-phuc-thu-2-the-gioi-d119664.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Quốc gia có GDP gấp gần 8 lần Việt Nam nhưng kém hạnh phúc thứ 2 thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH