Quốc gia đầu tiên cấm sử dụng DeepSeek trên các thiết bị công vụ
Lo ngại rủi ro an ninh, chính phủ Úc là quốc gia đầu tiên cấm các thiết bị DeepSeek khỏi hệ thống công vụ khi startup AI Trung Quốc đang gây chấn động thị trường toàn cầu.
Chính phủ Úc vừa ban hành lệnh cấm toàn diện đối với DeepSeek trên mọi thiết bị và hệ thống công vụ. Đây là lần đầu tiên một quốc gia ban hành biện pháp toàn diện trực tiếp nhằm vào startup AI đang gây chấn động giới công nghệ và thị trường toàn cầu.
"AI là công nghệ đầy tiềm năng và cơ hội, nhưng chính phủ sẽ không ngần ngại hành động khi các cơ quan của chúng tôi xác định được rủi ro an ninh quốc gia", Bộ trưởng Nội vụ Úc Tony Burke khẳng định trong thông cáo báo chí hôm 5/2.
Theo đó, quyết định này được đưa ra dựa trên báo cáo đánh giá từ cơ quan tình báo về những mối đe dọa nguy hiểm từ công nghệ này đối với an ninh quốc gia.
DeepSeek, startup công nghệ được thành lập tại Hàng Châu chỉ 20 tháng trước, đã tạo tiếng vang lớn với chatbot AI có khả năng lý luận độc đáo. Điểm đặc biệt của công cụ này là khả năng diễn đạt quá trình suy nghĩ và nghiên cứu một cách minh bạch trước khi đưa ra phản hồi.
Thành công của ứng dụng đã chứng minh rằng AI tiên tiến có thể được phát triển mà không cần đầu tư quá lớn vào phần cứng. Tuy nhiên, song song với việc leo thẳng lên vị trí đầu bảng xếp hạng tải xuống toàn cầu, DeepSeek cũng vấp phải nhiều nghi vấn nghiêm trọng về tính bảo mật.
Trước làn sóng chỉ trích về việc phân biệt đối xử với công ty có nguồn gốc Trung Quốc, Bộ trưởng Burke đã phản hồi quyết liệt: "Cách tiếp cận của chính phủ là không thiên vị quốc gia nào và chỉ tập trung vào đánh giá rủi ro đối với chính phủ Úc và tài sản của chúng tôi".
Theo quy định mới, tất cả các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ DeepSeek sẽ phải được gỡ bỏ khỏi hệ thống chính phủ ngay lập tức. Mặc dù lệnh cấm chỉ áp dụng cho thiết bị công vụ, Bộ trưởng Burke đã đặc biệt kêu gọi toàn bộ người dân Úc nâng cao cảnh giác về việc sử dụng dữ liệu trực tuyến. Ông khuyến nghị công dân cần "hiểu rõ sự hiện diện trực tuyến của họ và có biện pháp bảo vệ quyền riêng tư phù hợp".
Quyết định của Úc không phải là động thái đơn lẻ trên phạm vi toàn cầu. Trước đó, Cơ quan Quản lý Quyền riêng tư của Ý đã ban hành lệnh chặn DeepSeek nhằm bảo vệ dữ liệu người dùng, trong khi Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland cũng yêu cầu công ty này phải minh bạch hóa thông tin hoạt động.
Năm 2018, Canberra từng tiên phong cấm tập đoàn viễn thông Huawei tham gia vào mạng lưới 5G - quyết định làm leo thang căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh. Cuộc đối đầu sau đó đã dẫn đến việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lên hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, quan hệ song phương đã có dấu hiệu ấm lên kể từ khi chính phủ Thủ tướng Anthony Albanese lãnh đạo lên nắm quyền vào tháng 5/2022.
Động thái này của chính phủ Úc được giới quan sát nhận định có thể tạo ra hiệu ứng domino, khiến các quốc gia khác cũng xem xét lại chính sách về việc sử dụng AI nước ngoài trong các cơ quan chính phủ.
Theo South China Morning Post (SCMP)
DeepSeek là 'Temu phiên bản AI’, cơn sốt giá rẻ sẽ đe dọa loạt ông lớn công nghệ?
Úc áp dụng quy định mới, buộc Meta và Google phải trả tiền cho báo chí