Thế giới

Quốc gia Đông Nam Á không biển nhưng sở hữu thứ cả thế giới cần, Việt Nam là một trong hai nước nhập khẩu nhiều nhất

Đào Doãn 17/07/2024 11:05

Quốc gia này được đánh giá là địa điểm lý tưởng để xây dựng các đập thủy điện. Theo đó, khoảng 80% điện năng sản xuất tại đây được bán cho các quốc gia láng giềng gồm Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Campuchia và Singapore.

Lào là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không giáp biển. Quốc gia này có đường biên giới giáp với 5 nước - phía Bắc giáp Trung Quốc; phía Tây Bắc giáp Myanmar; phía Đông giáp Việt Nam; phía Tây và Tây Nam giáp Thái Lan; phía Nam giáp Campuchia.

Tuy nhiên, Lào lại có nhiều sông, hồ và thác nước. Đặc biệt, quốc gia này có tiềm năng phát triển thủy điện rất lớn, thậm chí là một trong những quốc gia giàu có nhất Đông Nam Á về tài nguyên thủy điện, theo Hiệp hội Thủy điện quốc tế (IHA).

Xấp xỉ 97% diện tích lãnh thổ Lào là nông thôn và đồi núi nằm trong vùng khu vực của sông Mekong trải dài từ Bắc xuống Nam. Nguồn thủy văn dồi dào, có giá trị kinh tế quan trọng và đa dạng.

Quốc gia Đông Nam Á không biển sở hữu thứ cả thế giới cần, đang bán cho Việt Nam với giá 6,95 cent/kWh - ảnh 1
Lào có tiềm năng phát triển thủy điện rất lớn

Chưa hết, báo cáo "Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực năng lượng" cũng chỉ ra, tổng nguồn nước mặt hiện có mỗi năm ở Lào là 272 km3, tương đương với hơn 55.000 m3/đầu người (mức cao nhất ở Đông Nam Á).

Theo cấu tạo địa chất, địa hình của Lào hình thành hai chiều dốc là chiều Bắc - Nam và chiều Đông - Tây. Cả hai chiều dốc đều đổ về hướng lưu vực sông Mekong.

Trên khắp lãnh thổ Lào, hệ thống thủy văn được phân bố khá dày đặc, khí hậu là nhiệt đới ẩm - không chỉ tạo nên hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện mà còn là nguồn cung cấp nước dồi dào cho nhu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thủy điện. Điều này khiến Lào được đánh giá là địa điểm lý tưởng để xây dựng các đập thủy điện.

Quốc gia Đông Nam Á không biển sở hữu thứ cả thế giới cần, đang bán cho Việt Nam với giá 6,95 cent/kWh - ảnh 2
80% điện năng sản xuất tại Lào được bán cho các quốc gia láng giềng

Nếu trước đây, Lào chỉ có 4 trạm thủy điện hoạt động với tổng công suất lắp đặt là 206 MW, thì sau khi Chính phủ mở cửa ngành điện để đón đầu tư nước ngoài hồi năm 1993, nước này đã có sự tăng trưởng nhanh chóng về công suất lắp đặt thủy điện.

Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào công bố cuối năm 2023, nước này hiện có 94 nhà máy sản xuất điện, với tổng công suất lắp đặt hơn 11.600 MW, trong đó có 81 nhà máy thủy điện.

Báo cáo "Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực năng lượng" cũng cho hay, Lào đang đặt mục tiêu đạt sản lượng thủy điện lên tới 61.845 triệu kWh/năm, trong đó 85% sẽ bán cho nước ngoài.

Hiện khoảng 80% điện năng sản xuất tại Lào được bán cho các quốc gia láng giềng gồm Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Campuchia và Singapore. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường nhập khẩu điện lớn nhất của Lào.

Hiện, tại Việt Nam, giá điện mua từ Lào đến năm 2025 là 6,95 cent một kWh, còn khung giá sau năm 2025 chưa có. Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cũng dự tính mua khoảng 5.000 MW điện từ Lào vào năm 2025 và tăng lên 8.000 MW đến năm 2030.

Tổng hợp

>> Bất ngờ: Không ‘phụ thuộc’ vào Fed, hàng loạt quốc gia Đông Nam Á sẽ tự chủ điều chỉnh chính sách lãi suất sắp tới

Hệ thống siêu đập thủy điện khủng hàng đầu lịch sử nhân loại của quốc gia cạnh Việt Nam bất ngờ có ‘tin vui’

Láng giềng Việt Nam chính thức vận hành siêu dự án thủy điện: Tạo ra 7,3 tỷ kWh điện, xây 12 năm mới xong

Theo Kinh tế Đô Thị
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/quoc-gia-dong-nam-a-khong-bien-so-huu-thu-ca-the-gioi-can-dang-ban-cho-viet-nam-voi-gia-695-centkwh-124223.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Quốc gia Đông Nam Á không biển nhưng sở hữu thứ cả thế giới cần, Việt Nam là một trong hai nước nhập khẩu nhiều nhất
POWERED BY ONECMS & INTECH