Thế giới

Bất ngờ: Không ‘phụ thuộc’ vào Fed, hàng loạt quốc gia Đông Nam Á sẽ tự chủ điều chỉnh chính sách lãi suất sắp tới

Bạch Linh 12/06/2024 08:40

Các nền kinh tế Đông Nam Á có vẻ không còn bị phụ thuộc vào các quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tại sao?

Hàng loạt cuộc họp quan trọng sắp diễn ra

Lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên các Ngân hàng Trung ương của Đông Nam Á được cho là vẫn có nhiều “sức mạnh” để đưa ra các quyết định về lãi suất dựa trên tình hình kinh tế của chính mình.

Những người theo dõi thị trường trên toàn thế giới đang chờ đợi kết quả tại cuộc họp chính sách của Fed (dự kiến công bố vào rạng sáng thứ 5, ngày 13/6, theo giờ Việt Nam). Ngoài ra, các NHTW trong ASEAN cũng đang chuẩn bị cho các cuộc họp quan trọng. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) sẽ tổ chức cuộc họp ấn định lãi suất tiếp theo vào thứ 4, ngày 12/6, ngay trước quyết định của Fed.

Bất ngờ: Không ‘phụ thuộc’ vào Fed, hàng loạt quốc gia Đông Nam Á sẽ tự chủ điều chỉnh chính sách lãi suất sắp tới
Thị trường toàn cầu đang chờ đợi kết quả tại cuộc họp chính sách của Fed (dự kiến công bố vào rạng sáng thứ 5, ngày 13/6, theo giờ Việt Nam)

Nhiều người dự đoán Fed sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất. Tuy nhiên, Thái Lan được cho là có thể tiến hành cắt giảm lãi suất. Ở các khu vực khác, NHTW châu Âu tuần trước cũng đã bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục với mức cắt giảm 0,25 điểm phần trăm.

Đối với Singapore, Ngân hàng Trung ương nước này có phương pháp thực hiện chính sách tiền tệ độc đáo - điều chỉnh tỷ giá hối đoái của SGD thay vì thay đổi lãi suất trong nước như hầu hết các nền kinh tế khác.

“Theo chân Fed” tăng lãi suất

Các nền kinh tế gồm Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines từng chịu tổn thương nặng nề do dòng vốn chảy ra ngoài trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (AFC) vào cuối những năm của thập niên 1990. Điều này đã khiến các nước ngập trong những đợt suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và đồng nội tệ sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn.

Kể từ đó, về cơ bản, lãi suất tại ASEAN vẫn cao hơn lãi suất ở các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ. Các đồng tiền của Đông Nam Á không thể mang lại sự an toàn và ổn định như đồng USD, do đó, cần phải mang lại cho các nhà đầu tư mức lãi suất cao hơn đáng kể.

Bất ngờ: Không ‘phụ thuộc’ vào Fed, hàng loạt quốc gia Đông Nam Á sẽ tự chủ điều chỉnh chính sách lãi suất sắp tới
Khi lạm phát bùng lên ở thời kỳ hậu Covid-19 cuối năm 2021 và gây ra các ảnh hưởng nặng nề, từ đó các NHTW ở Đông Nam Á đã theo chân Fed trong việc tăng lãi suất

Dẫu vậy, tình hình đã thay đổi trong những năm gần đây. Khi lạm phát bùng lên ở thời kỳ hậu Covid-19 cuối năm 2021 và gây ra các ảnh hưởng nặng nề, từ đó các NHTW ở Đông Nam Á đã theo chân Fed trong việc tăng lãi suất.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt rõ rệt là mức độ thắt chặt tiền tệ lỏng hơn. Với áp lực lạm phát ở Đông Nam Á ít nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu u, các NHTW trong khu vực có thể chế ngự áp lực giá cả bằng cách tăng lãi suất ở mức thấp.

Có thể thấy, Fed đã đưa lãi suất lên phạm vi 5,25% - 5,5% và giữ nguyên mức lãi suất này cho đến nay. Ngược lại, lãi suất của BoT hiện chỉ ở mức 2,5%, tăng 2 điểm phần trăm trong chu kỳ thắt chặt. Lãi suất cao nhất của Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) ở mức 3%, tăng 1,25 điểm phần trăm. Lãi lãi suất chính thức của Ngân hàng Trung ương Indonesia là 6,25% - tăng 2,75 điểm phần trăm.

Mức tăng lãi suất lớn nhất ở Đông Nam Á là ở Philippines, với mức tăng 4,5 điểm phần trăm - lên mức 6,5%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng lãi suất của Fed.

Kiên cường chống đỡ

Một số chuyên gia nhận thấy rằng Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia hiện có mức độ độc lập về chính sách tiền tệ so với Fed cao hơn vì các cán cân thanh toán bên ngoài của họ, bao gồm trạng thái tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại hối và dòng vốn FDI đã mạnh hơn và linh hoạt hơn nhiều so với các giai đoạn trước.

Theo đó, 4 quốc gia này có mức thâm hụt tài khoản vãng lai từ 3,4-7,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 1996, một năm ngay trước khủng hoảng tài chính châu Á. Còn ngày nay, tài khoản vãng lai của các nước này đã mạnh hơn nhiều.

Điển hình, Indonesia thậm chí có thặng dư tài khoản vãng lai ở mức 1% GDP vào năm 2022 và ghi nhận mức thâm hụt nhỏ chỉ 0,1% so với GDP vào năm ngoái. Lý do là bởi xuất khẩu hàng hóa - một lĩnh vực quan trọng đã bùng nổ.

Chưa hết, Thái Lan cũng đã trở lại trạng thái thặng dư tài khoản vãng lai 1,4% GDP vào năm 2023, sau khi thâm hụt hai năm liên tiếp kể từ năm 2020. Malaysia đã có thặng dư tài khoản vãng lai ổn định ngay cả trước đại dịch Covid-19. Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã giảm từ 3,1% GDP năm 2022 xuống còn 1,2% vào năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng nó sẽ tăng lên 2% trong năm nay.

Trong khi đó, hậu đại dịch Covid-19, thâm hụt tài khoản vãng lai của Philippines đã thu hẹp đáng kể từ 4,4% GDP trong năm 2022 xuống chỉ còn 1,3% vào năm ngoái.

Bất ngờ: Không ‘phụ thuộc’ vào Fed, hàng loạt quốc gia Đông Nam Á sẽ tự chủ điều chỉnh chính sách lãi suất sắp tới
Ngày nay, tài khoản vãng lai của Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia đã mạnh hơn nhiều

Những sự cải thiện này có được là nhờ những thay đổi cấu trúc lớn trong mỗi nền kinh tế, bao gồm các biện pháp nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, cải thiện hoạt động giám sát lĩnh vực tài chính, đồng thời còn có thị trường vốn minh bạch hơn.

>> Chính sách lãi suất của Fed đã ‘giáng đòn’ mạnh lên đồng yên Nhật như thế nào?

Theo Business Times, Indonesia gần đây cũng đã bắt tay thực hiện nhiều nỗ lực để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng. Còn Thái Lan thì đã nới lỏng các hạn chế về thị thực để thúc đẩy lượng du khách nước ngoài - từ đó làm tăng xuất khẩu dịch vụ của nước này.

Hàng loạt NHTW ASEAN không cần “theo sát” Fed nữa

Khi thế giới bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ, các nền kinh tế ASEAN có thể linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh lãi suất, từ đó tối ưu sự cân bằng tăng trưởng và lạm phát trong nước. Các ngân hàng Trung ương Đông Nam Á có thể không còn cần phải “theo sát” Fed nữa.

Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Philippines được cho là khá trung lập hoặc thậm chí ôn hòa dựa trên tuyên bố quyết định chính sách tiền tệ mới nhất. NHTW nước này có thể sắp cắt giảm lãi suất, thậm chí có thể linh hoạt và cắt giảm lãi suất trước Fed.

Đối với Thái Lan, cán cân thanh toán bên ngoài mạnh mẽ, lạm phát cũng đã thấp và những lo ngại về nợ hộ gia đình cao khiến quốc gia này có thể tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ.

Malaysia đang chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhưng nhu cầu trong nước mạnh mẽ - có thể khiến nước này giữ nguyên chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại.

Còn Indonesia có thể sẽ là nước ASEAN “cẩn thận” nhất trong việc cắt giảm lãi suất do còn các vấn đề liên quan đến lạm phát nhập khẩu. BI có thể sẽ vẫn giữ lãi suất ở mức cao để thu hút dòng vốn nước ngoài. Singapore cũng có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, khi đà tăng có vẻ đang chậm lại.

Có thể thấy, dù đưa ra quyết định như thế nào, giờ đây các NHTW của ASEAN cũng có nhiều linh hoạt và “tự do” hơn trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Các quốc gia này không còn quá phụ thuộc vào quyết định lãi suất của Fed như trước đây nữa, theo Business Times.

>> Chần chừ không cắt giảm lãi suất, Fed đã ‘giáng đòn’ mạnh lên hàng loạt ngân hàng Đông Nam Á như thế nào?

Trung Quốc dừng mua vàng khiến hàng loạt NHTW toàn cầu có thể làm điều tương tự: Vàng thế giới sắp giảm mạnh?

Bị 'đe dọa' trước nỗ lực phi USD hóa của BRICS, Fed thừa nhận chính Mỹ đã 'châm ngòi'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bat-ngo-khong-phu-thuoc-vao-fed-hang-loat-quoc-gia-dong-nam-a-se-tu-chu-dieu-chinh-chinh-sach-lai-suat-sap-toi-238288.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bất ngờ: Không ‘phụ thuộc’ vào Fed, hàng loạt quốc gia Đông Nam Á sẽ tự chủ điều chỉnh chính sách lãi suất sắp tới
POWERED BY ONECMS & INTECH