Quốc gia thứ 28 châu Âu ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ bùng phát trở lại?

03-03-2024 21:08|Thảo Đan

Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh lây nhiễm do virus gây ra và có nguồn gốc đầu tiên từ Châu Phi.

Thời gian vừa qua, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã khiến ngành lợn của Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung điêu đứng với những con số thiệt hại chưa từng có, ảnh hưởng đến an ninh thực phẩm, kinh tế, xã hội và môi trường.

Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh lây nhiễm do virus gây ra và có nguồn gốc đầu tiên từ Châu Phi. Bệnh có thể bắt gặp ở bất kỳ loài lợn nào, ở bất kỳ lứa tuổi nào của lợn với khả năng lây lan vô cùng nhanh. Theo thống kê cho thấy, lợn nhiễm bệnh có tỷ lệ chết lên tới 100%.

Theo thống kê của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, trên thế giới đã có 20 quốc gia báo cáo xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc, cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất của thế giới.

Mới đây nhất, dịch tả lợn châu Phi đã lan đến quần thể lợn rừng ở Albania. Quốc gia này đã báo cáo với Tổ chức Thú y Thế giới về việc tìm thấy 2 xác lợn rừng bị lây nhiễm tại một khu rừng ở Kukes, phía Đông Bắc nước này vào ngày 9/2 vừa qua.

Albania là quốc gia thứ 28 ở châu u báo cáo dịch tả lợn châu Phi, kiểu gen II, kể từ khi virus xâm nhập vào lục địa này vào năm 2007 qua Georgia và Armenia. Điều này có nghĩa là hầu hết các quốc gia tại châu u đều ghi nhận tình trạng lợn nhiễm bệnh.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố. Hơn 18.000 con lợn đã phải tiêu hủy. Trong đó dịch bệnh xảy ra dai dẳng nhất là tại tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Sơn La và Nghệ An…

Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đang tái bùng phát ở một số địa phương. Trên cơ sở xác định nguyên nhân, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp, đặc biệt là kiểm soát chặt nguồn con giống để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Quyết liệt phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận dịch tái phát trở lại. Ảnh minh hoạ

>> Nguy cơ dịch bùng phát diện rộng, sẽ sớm đưa vaccine dịch tả lợn châu Phi vào danh mục phải tiêm bắt buộc?

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 16 ổ dịch tả heo châu Phi tại 13 xã và thị trấn của 5 huyện, gồm xã Tam Giang (huyện Năm Căn); xã Phú Mỹ, Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân); xã Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hải, Trần Hợi và thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời); xã Trí Phải, Tân Bằng, thị trấn Thới Bình (huyện Thới Bình); xã Khánh Thuận (huyện U Minh). Tổng số heo mắc bệnh và tiêu huỷ 472 con, trọng lượng 27.842 kg; hiện nay còn 10 ổ dịch tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày.

Hay như tại Hòa Bình, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại ở 3 xã: Đoàn Kết, Hữu Lợi, Phú Lai, huyện Yên Thuỷ, tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ là 67 con, trọng lượng 3.882 kg. Cụ thể, ngày 18/2, 1 con lợn nái của hộ gia đình tại xóm Tân Vượng, xã Phú Lai bị mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ với trọng lượng 175 kg. Cùng ngày cũng ghi nhận 19 con lợn nái, lợn thịt của gia đình ông Nguyễn Văn Tráng, xóm Yên Thời, xã Hữu Lợi phải tiêu huỷ vì dịch tả lợn châu Phi, trọng lượng 1.630 kg. Trước đó, đầu tháng 1/2024 và giữa tháng 2/2024, tại xã Đoàn Kết đã ghi nhận lợn của 2 hộ dân thuộc xóm Mền 1 và Phú Vệ mắc dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, tại thị trấn Hàng Trạm cũng đã ghi nhận 42 con lợn của 2 hộ dân phải tiêu huỷ vì dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát quy mô nhỏ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có chỉ đạo về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ưu tiên khẩn trương tổ chức tiêm vaccine cho đàn lợn thịt.

Tuy vậy, khâu thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại các địa phương vẫn còn không ít vướng mắc. Theo phóng sự từ VTV, có 2 điểm nghẽn lớn trong công tác cứu nguy cho đàn lợn đó là khuôn khổ pháp lý cho vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi và giá.

Vướng mắc thứ nhất là về chi phí. Một liều vaccine dịch tả lợn châu Phi hiện có giá trên 60.000 đồng. Cùng với các vaccine khác như lở mồm long móng hay tai xanh, chi phí vaccine cho một con lợn đang lên tới vài trăm nghìn đồng. Đây là gánh nặng không nhỏ với người chăn nuôi trong bối cảnh thua lỗ từ đầu năm đến nay.

Theo Ông Phúc Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, dịch lợn châu Phi là dịch bệnh hết sức nguy hiểm, khi xảy ra có thể lây lan rất rộng và gây chết 100%. Những thủ tục hành chính, kỹ thuật như lấy mẫu, giám sát, tất cả mọi cái đã được đơn giản hóa nhất để cho người dân tiếp cận với vaccine.

Cục Thú Y hiện đang rà soát, trình bộ BNN&PTNT quyết định bổ sung dịch tả lợn châu Phi vào danh sách những bệnh phải phòng ngừa bắt buộc bằng vaccine. Đây sẽ là căn cứ để các địa phương có kế hoạch sắp xếp nguồn kinh phí cho việc sử dụng vaccine phòng dịch bệnh này cho đàn lợn thịt, nhằm ngăn chặn dịch tả lây lan.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tại Việt Nam đã có 2 loại vaccine phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi được cấp giấy chứng nhận lưu hành là NAVET-ASFVAC của Công ty thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC Việt Nam.

Việt Nam cũng sắp có loại vaccine thứ 3 là vaccine của Tập đoàn Dabaco. Vaccine DACOVAC-ASF2 của Dabaco là một trong 3 mã vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi được triển khai tại Việt Nam. Hiện, loại vaccine này đang trong giai đoạn thẩm định cuối cùng của cơ quan chức năng trước khi cấp giấy chứng nhận lưu hành.

>> Nếu dịch tả lợn châu Phi là bệnh phòng ngừa bắt buộc… doanh nghiệp sản xuất vaccine hưởng lợi?

AI và công nghệ mRNA thắp sáng hi vọng vắc-xin phòng ung thư sẽ xuất hiện vào năm 2025

Dabaco (DBC) 'bắt tay' tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu Cuba, đẩy mạnh mảng vaccine

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-gia-thu-28-chau-au-ghi-nhan-dich-ta-lon-chau-phi-nguy-co-bung-phat-tro-lai-225030.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quốc gia thứ 28 châu Âu ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ bùng phát trở lại?
    POWERED BY ONECMS & INTECH