Nếu dịch tả lợn châu Phi là bệnh phòng ngừa bắt buộc… doanh nghiệp sản xuất vaccine hưởng lợi?

30-11-2023 07:00|Thảo Đan

Cục Thú Y đang rà soát, trình bộ NN&PTNT quyết định bổ sung dịch tả lợn châu Phi vào danh sách những bệnh phải phòng ngừa bắt buộc bằng vaccine.

Hiện nay, số ổ dịch và số lợn phải tiêu huỷ vì dịch tả lợn châu Phivẫn không ngừng tăng lên từ tháng 8/2023 đến nay, nhất là tại những địa phương có tổng đàn lợn lớn. Tình hình cho thấy việc dập dịch ngăn chặn nguy cơ bệnh dịch lây lan cần được quyết liệt và đồng bộ hơn nữa.

Đề xuất bổ sung dịch tả lợn châu Phi vào những bệnh phòng ngừa bắt buộc

Với 19 ổ dịch, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo là tâm dịch tả lợn châu Phi của tỉnh Tiền Giang những ngày gần đây. Để ngăn chặn phát sinh thêm các ổ dịch mới, ý thức chủ động khai báo, không giấu dịch của người chăn nuôi là điều vô cùng quan trọng.

Một số người dân tại Tiền Giang cho biết, nhiều ngày thấy lợn bỏ ăn và nghe nhiều người nói rằng có dịch bệnh nên đã báo lên chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn lây lan.

Hiện nhiều địa phương đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, dập dịch, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, không để dịch lây lan kéo dài. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết, địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường các biện pháp khử độc khử trùng đối với các hộ chăn nuôi, kiểm soát về việc vận chuyển lợn, và các sản phẩm về lợn.

Tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 570 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh thành trên cả nước, tổng số lợn phải tiêu hủy là 24000 con. Hiện còn 124 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Lợi thế là quốc gia duy nhất đến thời điểm này sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi nhưng vẫn chưa được phát huy trong công tác phòng bệnh.

Ông Phúc Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Dịch lợn châu Phi là dịch bệnh hết sức nguy hiểm, khi xảy ra có thể lây lan rất rộng và gây chết 100%. Những thủ tục hành chính, kỹ thuật như lấy mẫu, giám sát, tất cả mọi cái đã được đơn giản hóa nhất để cho người dân tiếp cận với vaccine”.

Cục Thú Y cũng đang rà soát, trình bộ BNN&PTNT quyết định bổ sung dịch tả lợn châu Phi vào danh sách những bệnh phải phòng ngừa bắt buộc bằng vaccine. Đây sẽ là căn cứ để các địa phương có kế hoạch sắp xếp nguồn kinh phí cho việc sử dụng vaccine phòng dịch bệnh này cho đàn lợn thịt, nhằm ngăn chặn dịch tả lây lan.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới

Báo cáo gần đây của Vietcombank Securities dẫn thống kê của USDA cho biết, tổng đàn heo trên thế giới cuối năm 2023 đạt khoảng 769,7 triệu con, giảm 2% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm đàn lợn toàn cầu đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do hoạt động tái đàn của người chăn nuôi giảm dần.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 trong các nước sản xuất thịt lợn lớn nhất trên thế giới, sau Trung Quốc và khu vực Châu u, Mỹ, Brazil và Nga. Xét về ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, Mỹ là quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất.

Tại khu vực Châu Âu, nhóm các quốc gia Tây Âu, đứng đầu về sản xuất thịt lợn trong khu vực này như Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ hầu như cũng ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong khi đó, nhóm các quốc gia tại Đông u như Ba Lan, Ukraina, Hungary chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi dịch trong các năm gần đây.

Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng đàn lợn cuối 2022 khoảng 25 triệu con; tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2023 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn các tháng năm 2023 thấp hơn năm 2022 ở cùng thời điểm. Chăn nuôi lợn cũng đang chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm quy mô nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các quy mô chuyên nghiệp và trang trại lớn.

Cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vaccine?

Với quy mô đàn lợn trên thế giới lên đến 770 triệu con, nhu cầu vaccine dịch tả lợn châu Phi trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng có thể sẽ rất lớn.

Theo phân tích của một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, quy mô thị trường vaccine tính cho 10 nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới có thể lên tới 1.036 tỷ USD/năm. Quy mô này được ước tính trên giả ước giá vaccine khoảng 1,3 USD/liều, mỗi con lợn cần tiêm tối thiểu 1 liều/vòng đời và số lượng tiêm tối thiểu 50% đàn lợn và một năm sẽ có 2 lứa lợn được tiêm.

Tính riêng tại thị trường Việt Nam, quy mô thị trường vaccine dịch tả lợn châu Phi có thể lên đến vài chục triệu USD. Điều này tạo ra cơ hội cho 3 doanh nghiệp tiên phong trong nước sản xuất vaccine có thể thu được nguồn lợi ích lớn và ổn định.

Cuối năm ngoái Việt Nam đã thương mại hóa và sản xuất thành công vaccine để phòng ngừa bệnh này. Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tại Việt Nam đã có 2 loại vaccine phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi được cấp giấy chứng nhận lưu hành là NAVET-ASFVAC của Công ty thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC Việt Nam.

2 loại trên là vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thương mại đầu tiên trên thế giới được cấp phép lưu hành sau hơn 100 năm loại dịch bệnh này xuất hiện trên thế giới.

Ngày 4/9 vừa qua, tại Sóc Sơn, Hà Nội, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã kiểm tra tiến độ khảo nghiệm vaccine dịch tả lợn Châu Phi Dacovac-ASF2. Đây là loại vaccine dịch tả lợn châu Phi thứ 3 đã được khảo nghiệm, đạt tiêu chuẩn có tên DACOVAC-ASF2. Vaccine này do Công ty TNHH Dược và Thú y Dacovet thuộc Tập đoàn Dabaco nghiên cứu và phát triển.

DACOVAC-ASF2 là mẫu vaccine dịch tả lợn Châu Phi nhược độc đông khô. Vaccine đã được thử nghiệm trên đàn lợn của Tập đoàn Dabaco và đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I.

Dabaco đã tiêm vắc xin tại 2 trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm: Trang trại lợn Cao Minh thuộc công ty Phát Đạt ở tỉnh Vĩnh Phúc và trang trại lợn Bùi Văn Toàn ở tỉnh Bắc Ninh. Mỗi trang trại tiêm vắc-xin cho 100 con lợn 4 và 8 tuần tuổi. Mỗi lứa tuổi 50 con. Hiện nay, vắc xin Dacovac-ASF2 đang được đăng ký thử nghiệm theo quy định hiện hành.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy vaccine đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ từ 80 - 100% trên đàn lợn thí nghiệm. Hiện nay vacxin DACOVAC-ASF2 đang được khảo nghiệm để đăng ký lưu hành theo quy định.

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng: cơ hội vàng cho các doanh nghiệp sản xuất vaccine

Dabaco thành công trong việc phát triển vaccine mới, góp phần “cứu” dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/neu-dich-ta-lon-chau-phi-la-benh-phong-ngua-bat-buoc-doanh-nghiep-san-xuat-vaccine-huong-loi-213296.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nếu dịch tả lợn châu Phi là bệnh phòng ngừa bắt buộc… doanh nghiệp sản xuất vaccine hưởng lợi?
POWERED BY ONECMS & INTECH