Quốc gia từng là 'nơi định cư trong mơ' nay chìm trong lạm phát và thất nghiệp, người dân di cư ồ ạt
Làn sóng di cư ngày một rõ rệt, đặt ra nhiều lo ngại cho tương lai dân số và lực lượng lao động của quốc đảo Nam Thái Bình Dương này.
Từ gia đình trẻ đến người đã nghỉ hưu, ngày càng nhiều công dân New Zealand rời bỏ quê hương để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng vọt và triển vọng kinh tế ảm đạm.
Harriet Baker (33 tuổi), người gốc Dunedin – thành phố ở đảo Nam của New Zealand – từng nghĩ mình sẽ gắn bó cả đời với nơi này. Nhưng mới đây, cô đã quyết định bán nhà, đóng gói hành lý và cùng chồng, 2 con nhỏ với chú chó cưng chuyển sang Australia.
“Hồi mua nhà ở Dunedin, tôi từng nói với chồng rằng chỉ có quan tài mới kéo được tôi rời khỏi nơi đây. Nhưng rồi chi phí cứ leo thang, còn chúng tôi thì mãi vật lộn mà chẳng để dành được gì. Mọi thứ như giậm chân tại chỗ”, Baker kể.
Chồng cô đang chuẩn bị làm thợ cơ khí trong ngành khai khoáng, còn Baker ở nhà chăm con. Cặp đôi từng muốn con mình lớn lên trong văn hóa New Zealand, gần gũi ông bà.
“Nhưng thu nhập ở Australia khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại”, Baker thừa nhận.

Gia đình Baker chỉ là một trong hàng chục nghìn trường hợp nằm trong làn sóng di dời khỏi New Zealand vì những lý do ngày càng phổ biến: thu nhập không đủ sống, cơ hội việc làm hạn chế và lạm phát.
Theo số liệu mới nhất, từ tháng 3/2024 - tháng 2/2025, hơn 69.100 người New Zealand đã ra nước ngoài và có ý định sống ở đó ít nhất 1 năm - mức cao nhất kể từ năm 2012.
Paul Spoonley, chuyên gia xã hội học tại Đại học Massey, nhận định: “Không hiểu sao chúng tôi không nói nhiều hơn về vấn đề này. Tỷ lệ sinh ở New Zealand đang giảm mạnh, dân số già hóa nhanh chóng. Trong thời kỳ hậu Covid-19, chúng tôi còn ghi nhận số lượng người di cư tăng liên tục. Một số khu vực đang dần rơi vào tình trạng suy thoái. Vấn đề là liệu những người đã đi có quay trở lại không”.
Dù tổng thể, New Zealand vẫn có nhiều người nhập cư hơn người di cư, nhưng năm 2024 đã ghi nhận mức sụt giảm ròng dân số lớn nhất trong lịch sử nước này. Australia – điểm đến của 56% người rời đi – đang thu hút mạnh mẽ nhờ mức thu nhập trung bình cao hơn 26% so với New Zealand.
Trong khi nhóm tuổi 20–29 vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dòng người di cư, xu hướng hiện nay đang mở rộng sang cả những gia đình có con nhỏ và người cao tuổi – một điều hiếm thấy trước đây.
“Điều đáng nói là 'trục kết nối' của mỗi gia đình nằm ở đâu. Khi cha mẹ, con cái, cháu chắt sống ở nơi khác, trục kết nối của gia đình cũng dịch chuyển theo”, giáo sư Spoonley chỉ ra.

Làn sóng ra đi ồ ạt cũng đang đặt thêm áp lực lên lực lượng lao động trong nước, đặc biệt sau khi Chính phủ siết chính sách nhập cư vào năm ngoái, khiến số lao động nước ngoài đến New Zealand theo diện visa làm việc giảm rõ rệt.
Chuyên gia kinh tế Shamubeel Eaqub từ công ty đầu tư Simplicity cảnh báo: “Nhóm lao động trong giai đoạn thăng tiến, vốn đảm nhận phần lớn công việc, đang suy giảm”.
Giới chuyên gia cho rằng lý do khiến người dân nước này rời đi là tình trạng sinh hoạt phí leo thang kèm lương thấp, điều kiện làm việc không đáp ứng kỳ vọng và khó tìm việc làm.
Waikauri Hirini (27 tuổi) từng là nhân viên xã hội tại thị trấn Te Kuiti ở trung tâm Đảo Bắc. Với mức lương 48.000 NZD không tăng suốt nhiều năm, khối lượng công việc ngày càng nặng nề đã khiến cô kiệt sức.
“Tôi kiệt sức và nghĩ mình không muốn sống thế này nữa”, cô nói. Sau đó, Hirini đã chuyển đến Perth ở Australia để làm nhân viên ngân hàng và sống cùng gia đình ba thế hệ của mình.
Ở nhiều thị trấn nhỏ trên khắp quốc đảo, câu chuyện tương tự ngày càng phổ biến. Thị trấn trượt tuyết Ohakune đã mất gần 1/3 dân số kể từ năm 1996. Cửa hàng đóng cửa, biển sang nhượng treo khắp nơi. Bộ tộc bản địa Ngati Rangi đang cố gắng giữ người dân ở lại, nhưng không mấy thành công.
“Tình trạng này diễn ra dần dần ở từng thị trấn, từng khu vực”, chuyên gia nhân khẩu học Tahu Kukutai cho biết.

Giữa lúc đó, Chính phủ do Đảng Quốc gia lãnh đạo lại lựa chọn cắt giảm chi tiêu công gần 1 tỷ NZD để kiểm soát nợ. Một số chuyên gia cảnh báo biện pháp này có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế. Lãnh đạo Công đảng, ông Chris Hipkins, thậm chí cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ càng đẩy giới trẻ rời bỏ đất nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nicola Willis bác bỏ các lo ngại. Bà khẳng định Chính phủ chỉ cắt giảm những dịch vụ không cần thiết và vẫn đang tăng đầu tư vào nền kinh tế.
Theo bà, việc người trẻ rời khỏi New Zealand là một thách thức, nhưng có thể được giải quyết bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
“Tôi rất quan ngại nếu người New Zealand không tin rằng họ có triển vọng tốt ở trong nước. Tôi muốn mọi người coi đây là có nhiều cơ hội về kinh tế và xã hội”, bà nói.
Nhưng đối với những người đã rời đi, động lực để trở về ngày một xa vời. “Tôi từng rất buồn khi nghĩ con mình không được học tiếng Maori hay sống trong văn hóa quê hương. Nhưng quay về thì biết làm gì bây giờ?”, Hirini chia sẻ.
Daniel Reed (38 tuổi) cùng vợ và 3 con nhỏ chuyển đến Townsville, Australia năm ngoái và chưa từng hối hận. “Chúng tôi tiết kiệm được 1.000 USD mỗi 2 tuần. Không còn phải tính toán từng đồng khi đi siêu thị”, anh cho hay. “Bọn trẻ vẫn nhớ mình là người New Zealand, và giờ chúng còn thuộc cả quốc ca Australia. Tôi không chắc chúng có còn nhớ quốc ca quê hương nữa không”.
Dù vậy, theo báo cáo của US News & World Report 2024, New Zealand vẫn nằm trong top 10 các quốc gia đáng sống nhất trên thế giới.
Theo Guardian
>> Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, GDP lao dốc không tưởng
Nóng: Không nhượng bộ, một quốc gia châu Á xem xét áp thuế đáp trả Mỹ
Quốc gia châu Á có hơn 200 cụ già trên trăm tuổi, vẫn hưởng lương hưu hàng tháng 'đều như vắt tranh'