Quý 3: Nhiều doanh nghiệp "biến tướng" vì đầu tư chứng khoán, số ít "mát tay" vẫn có lời

07-11-2023 06:18|Đức Hậu

Thị trường chứng khoán là nơi "kiếm tiền" song cũng dễ mất tiền. Việc kinh doanh mảng chính kém khả quan là một trong những nguyên nhân hối thúc doanh nghiệp gom tiền đi đầu tư cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán tiếp nối mạch thăng hoa kể từ cuối tháng 4 và tiếp tục tăng trong các tháng 7, 8. Tuy nhiên, sau khi chinh phục bất thành ngưỡng cản 1.250 điểm, thị trường đã điều chỉnh mạnh trong 3 tuần tháng 9. Diễn biến bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp tay ngang, đầu tư chứng khoán chịu thiệt hại nặng.

Ghi nhận, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) ghi nhận doanh thu thuần vỏn vẹn 12,5 tỷ đồng - giảm 34% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 7,8 tỷ - gấp 3,2 lần YoY.

Tại thời điểm 30/9, danh mục chứng khoán kinh doanh của TDH có giá trị hơn 31 tỷ đồng song phải trích lập dự phòng giảm giá gần 27 tỷ (tạm lỗ hơn 87%).

Danh mục đầu tư của TDH chủ yếu gồm 2 cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương và SC5 của CTCP Xây dựng số 5. Đáng chú ý, Nhà Thủ Đức đã sở hữu cổ phiếu PPI trong thời gian dài (có thời điểm ngồi ghế cổ đông lớn). Công ty từng nhiều lần muốn bán sạch khoản đầu tư này song bất thành.

CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) cũng đang mắc kẹt với danh mục chứng khoán kinh doanh. Đến cuối quý 3, danh mục của công ty có giá gốc hơn 88 tỷ đồng và giá trị trích lập giảm còn 13,5 tỷ. Nhiều khả năng đến từ việc TLH thoái hết cổ phiếu SHB trong quý 3. Trước đó, quý 2 ghi nhận TLH nắm gần 23,5 tỷ đồng giá gốc cổ phiếu SHB (trích lập dự phòng hơn 9 tỷ).

Hồi đầu năm, công ty ghi nhận giá gốc đầu tư hơn 105 tỷ đồng (trích lập dự phòng gần 63 tỷ). Hiện tất cả các khoản đầu tư của doanh nghiệp ngành thép đều đang tạm lỗ.

Quý 3: Nhiều doanh nghiệp
Thuyết minh chi tiết danh mục đầu tư cổ phiếu của TLH đến cuối quý 3/2023

CTCP Sách và Thiết bị trường học Long An (mã LBE) là cái tên tiếp theo khi sở hữu 5,7 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh (trích lập dự phòng giảm giá khoảng 805 triệu đồng - tương đương tạm lỗ 14%).

Với CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) - doanh nghiệp đầu ngành thủy sản, dù vừa được chấp thuận gia hạn báo cáo tài chính quý 3 song ghi nhận tại thời điểm cuối quý 2, danh mục chứng khoán kinh doanh của công ty có giá gốc hơn 174 tỷ đồng và trích lập dự phòng gần 51 tỷ. Danh mục của VHC chủ yếu là các cổ phiếu bất động sản.

Danh mục chính của NLG, DXSKBC. Với diễn biến bất ngờ trong 3 tuần cuối quý 3, nhiều khả năng công ty vẫn chưa thể "về bờ" với các cổ phiếu "đắt khách" này.

Quý 3: Nhiều doanh nghiệp
Thuyết minh chi tiết danh mục đầu tư cổ phiếu của VHC đến cuối quý 2/2023

CTCP Đầu tư CMC (Mã CMC) đến cuối quý 3 ghi nhận giá gốc đầu tư chứng khoán tăng nhẹ, đạt 31 tỷ đồng; trích lập dự phòng giảm giá còn 8 tỷ (đầu năm là 11,7 tỷ đồng). Dù giá trị gốc đầu tư thấp song danh mục của CMC ghi nhận hơn 20 mã chứng khoán trong đó GEX, VLC, LTC, VE8, EVG vẫn đang khiến công ty phải trích lập dự phòng lớn/giá gốc.

Được biết, CMC đã gồng lỗ chứng khoán kể từ đầu năm 2022 trở lại đây.

Điều tích cực là trong quý này, công ty đã chuyển lãi sau thuế gần 0,4 tỷ đồng so với mức lỗ 240 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Quý 3: Nhiều doanh nghiệp
Thuyết minh chi tiết danh mục đầu tư cổ phiếu của VHC đến cuối quý 3/2023

Những doanh nghiệp được hưởng niềm vui...

Tái xuất thị trường, CTCP Licogi 14 (mã L14) dù ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2023 chỉ 23 tỷ đồng - giảm 35% so với cùng kỳ song nhờ điểm sáng là 9,4 tỷ đồng lãi đầu tư chứng khoán nên lãi sau thuế của L14 đạt hơn 7 tỷ - chỉ giảm 10% YoY.

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/9, Licogi 14 đang ghi nhận giá trị chứng khoán kinh doanh hơn 56 tỷ đồng song không có thuyết minh cụ thể chi tiết dnah mục; trích lập dự phòng giảm giá ghi nhận mức hơn 2 tỷ.

Trước đó, trong quý 2/2023, L14 đã mua mới 1 triệu cổ phiếu NVL của Novaland; 500.000 cổ phiếu DIG của DIC Corp; 500.000 cổ phiếu PDR của Phát Đạt, 425.000 cổ phiếu ITA,...

Đại diện khác cũng ghi nhận kết quả đầu tư khả quan trong quý 3 là CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN). Quý 3, doanh thu tài chính của công ty tăng gấp đôi lên 27,3 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 50% giúp công ty lãi ròng 27,6 tỷ (cùng kỳ lỗ 28,8 tỷ).

Đến cuối quý 3, giá gốc chứng khoán đầu tư của NDN tăng 51% so với đầu năm lên mức 469 tỷ; khoản trích lập dự phòng giảm từ 86,7 tỷ về còn hơn 37 tỷ đồng.

Quý 3: Nhiều doanh nghiệp
Thuyết minh chi tiết danh mục đầu tư cổ phiếu của NDN đến cuối quý 3/2023

Cái tên máu mặt trong danh sách doanh nghiệp "tay ngang" đầu tư chứng khoán phải kể đến CTCP Cơ điện lạnh (mã REE). Dù ghi nhận giá trị gốc đầu tư gần 1.050 tỷ đồng - tăng 32,6% so với đầu năm song khoản trích lập dự phòng được ghi nhận chỉ chưa đầy 1 tỷ.

So với thời điểm đầu năm, công ty đã thoái hết vốn tại Nhiệt điện Quảng Ninh; hạ tỷ trọng tại cổ phiếu VIB trong khi tăng hơn 15 lần khoản đầu tư khác lên mức 351 tỷ.

Quý 3: Nhiều doanh nghiệp
Thuyết minh chi tiết danh mục đầu tư cổ phiếu của REE đến cuối quý 3/2023

Quý 3, do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của mảng thủy điện, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 của Cơ điện lạnh chỉ đạt 1.962 tỷ đồng và 450 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 34% so với cùng kỳ năm trước.

Xem thêm: Cổ phiếu REE xuất hiện sóng hồi, CTCK khuyến nghị gia tăng tỷ trọng

Trường hợp doanh nghiệp đã "rút lui" khỏi cuộc chơi đầy may rủi - đầu tư chứng khoán - là Petroseco (mã PET) do nằm trong định hướng của ban lãnh đạo công ty.

Xem thêm: Không còn "chơi chứng", lợi nhuận Petroseco (PET) vẫn giảm sâu

Nhiều doanh nghiệp đang biến tướng?

Thị trường chứng khoán là nơi "kiếm tiền" của nhà đầu tư (bao gồm cả cá nhân và tổ chức) song cũng là nơi dễ mất tiền. Việc kinh doanh mảng chính kém khả quan thậm chí bết bát là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định đầu tư chứng khoán của hàng chục doanh nghiệp tay ngang.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vừa trải qua đợt giảm mạnh, nhiều quỹ đầu tư "cá mập" chịu trận trong khi công ty chứng khoán cũng không mặn mà mở rộng danh mục tự doanh cổ phiếu, việc nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể "về bờ" là điều không quá khó hiểu. Có chăng, cần phân phối tài sản hợp lý để doanh nghiệp không bị biến tướng khi doanh thu mảng chính thậm chí không bằng 1/10 giá trị khoản đầu tư chứng khoán

Xem thêm: NVL, DIG, DXG, TCH, MWG, DCM, SSI, FCN và loạt cổ phiếu HOT giảm 20 - 40% trong tháng 10

Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm

Công ty chứng khoán Top đầu sắp cán mốc 10.000 tỷ đồng dư nợ cho vay margin

Bài thuộc chủ đề Kết quả kinh doanh quý 3/2023
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quy-3-nhieu-doanh-nghiep-bien-tuong-vi-dau-tu-chung-khoan-so-it-mat-tay-van-co-loi-209533.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quý 3: Nhiều doanh nghiệp "biến tướng" vì đầu tư chứng khoán, số ít "mát tay" vẫn có lời
    POWERED BY ONECMS & INTECH