Quỹ bình ổn xăng dầu thu hơn 1.700 tỷ, chi ra chưa tới 6 tỷ
Bộ Tài chính công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) quý II/2023.
Theo Bộ Tài chính, số dư Quỹ Bình ổn giá đến hết ngày 31/3/2023 là 5.640,34 tỷ đồng. Sang đến quý II, số dư tiếp tục tăng lên nhanh chóng do tăng cường trích lập, hạn chế chi Quỹ.
Cụ thể, tổng số trích quỹ BOG trong Quý II/2023 (từ ngày 01/4/2023 đến hết ngày 30/6/2023) là 1.779,2 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số sử dụng Quỹ BOG trong Quý II/2023 (từ ngày 01/4/2023 đến hết ngày 30/6/2023) chỉ là 5,91 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, số dư quỹ BOG đến hết ngày 30/6/2023 lên tới 7.424,7 tỷ đồng.
Trong vòng 2 tháng lại đây, giá xăng dầu tăng 6 lần liên tiếp, trong đó RON 95 sắp chạm ngưỡng 25.000 đồng/lít, trong khi Quỹ Bình ổn xăng dầu dư hơn 7.400 tỷ đồng (tính đến hết quý 2) nhưng số chi Quỹ bình ổn giá lại khá nhỏ giọt. Dù vậy, trong thời gian này, mức độ trích lập Quỹ đã giảm đáng kể để giảm bớt áp lực lên giá bán lẻ.
Ví dụ, tại kỳ điều hành ngày 21/7, giá xăng E5 tăng 1.220 đồng/lít, còn xăng RON95 tăng 1.300 đồng/lít, nhưng liên Bộ Công Thương – Tài chính không chi quỹ bình ổn giá cho 2 loại xăng.
Đến kỳ điều chỉnh ngày 11/8, giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.810 đồng/lít song liên Bộ cũng không chi Quỹ bình ổn giá cho mặt hàng này. Nhưng cũng dừng trích lập Quỹ với tất cả các mặt hàng.
Theo các chuyên gia, đây là điều có phần bất hợp lý trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân cần "trợ lực" trước những khó khăn.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động theo cơ chế trích lập trong giá (thu của dân thông qua giá bán mỗt lít xăng dầu) một khoản tiền để hình thành quỹ và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá vốn trong nước tăng cao.
Ông Thoả nhắc lại trong năm ngoái, việc sử dụng quỹ này đã lộ rõ những vấn đề trong điều hành.
“Nhà điều hành chi quỹ quá nhiều vào thời điểm giá tăng đầu năm 2022, song lại không dự báo được giá sẽ còn tăng cao sau đó (từ tháng 4-6/2022). Điều này để xảy ra tình trạng giá xăng dầu tăng mạnh thì hết quỹ, và lúc ấy lại đi trích quỹ thì lại càng bất ổn, đi ngược với mục đích của việc bình ổn giá”, ông Thoả nói.
Với việc trích lập hiện nay, ông Thoả cảnh báo đang có dấu hiệu lặp lại những "bất ổn" trong điều hành. Bởi thực tế, đây là thời điểm kinh tế đang “tổn thương”, rất cần bình ổn giá, nhất là mặt hàng dầu diesel - chiếm 60% tổng sản lượng nhiên liệu trên thị trường.