Doanh nghiệp

Quy trình thi hành án 8.600 tỷ đồng trong vụ Tân Hoàng Minh

vietnamnet 03/04/2024 - 11:25

Tòa án buộc bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại. Quy trình thi hành án dân sự, hoàn trả số tiền này sẽ như thế nào?

Thông tin với phóng viên Dân trí, một chấp hành viên thuộc Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, tại buổi tuyên án chiều 27/3, HĐXX nói cơ quan tố tụng đang tạm giữ hơn 8.600 tỷ đồng. HĐXX tuyên tiếp tục tạm giữ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 của Bộ luật Tố tụng hình sự, vật chứng là tiền được cơ quan công an thu giữ sẽ được gửi tại Kho bạc Nhà nước. Sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, truy tố, tiền được chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

"Theo quy định đó, kể từ khi kết thúc truy tố, chuyển hồ sơ sang cho tòa án thực hiện giai đoạn xét xử, số tiền hơn 8.600 tỷ đồng hiện nay đang được cơ quan thi hành án dân sự, mà cụ thể là Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, có trách nhiệm bảo quản, và lưu giữ tại Kho bạc Nhà nước", vị này phân tích.

Về thủ tục thi hành án dân sự để 6.630 bị hại được nhận lại tiền bồi thường được áp dụng quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2020 và năm 2022.

Theo điều 2 luật này, nếu phần án tuyên bị cáo Đỗ Anh Dũng bồi thường cho các bị hại trong bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, sẽ được thi hành án dân sự.

Quy trình thi hành án 8.600 tỷ đồng trong vụ Tân Hoàng Minh - 1

Hàng nghìn bị hại đổ về trụ sở TAND TP Hà Nội để làm các thủ tục tham dự phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trường hợp phần bồi thường này bị kháng cáo, kháng nghị thì các bị hại sẽ phải đợi đến khi có bản án, quyết định cấp phúc thẩm (có hiệu lực ngay) mới được thi hành.

"Sau khi bản án có hiệu lực thi hành, người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án, ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự", chấp hành viên phân tích.

Điều 30 Luật Thi hành án dân sự nêu rõ, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trong trường hợp vụ Tân Hoàng Minh, khi tiền đã được thu, tạm giữ tại cơ quan thi hành án, nếu bị hại có đơn yêu cầu thi hành án thì sẽ sớm được thanh toán ngay.

Trên thực tế, những người này có thể được cơ quan thi hành án dân sự thanh toán, chi trả trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án hoặc phụ thuộc hồ sơ, thủ tục, giấy tờ pháp lý, thông báo của cơ quan thi hành án và sự hợp tác của người được thi hành án.

Trường hợp người được thi hành án không đến nhận tiền theo thông báo, tiền sẽ được gửi tiết kiệm theo quy định tại Điều 126 Luật Thi hành án dân sự.

Như Dân trí thông tin, chiều 27/3 vừa qua, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, là người lĩnh mức án cao nhất, 8 năm tù.

Quy trình thi hành án 8.600 tỷ đồng trong vụ Tân Hoàng Minh - 2

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng (Ảnh: Nam Phương).

Bản án xác định, để giải quyết khó khăn về tài chính, Đỗ Anh Dũng ra chủ trương phát hành 9 lô trái phiếu của 3 công ty thuộc tập đoàn. Hồ sơ phát hành trái phiếu được xây dựng trên các báo cáo tài chính đã "làm đẹp" số liệu, với sự tiếp tay của công ty kiểm toán.

Các bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh lập hợp đồng giả cách, "chạy" dòng tiền khống, hợp thức cho tập đoàn này trở thành trái chủ sơ cấp của các lô trái phiếu, sau đó bán cho nhà đầu tư để thu về hơn 14.000 tỷ đồng.

Phần lớn số tiền được bị cáo Dũng chỉ đạo chi tiêu không đúng phương án phát hành, gây thiệt hại trên 8.600 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng cùng gia đình đã nộp hơn 5.600 tỷ đồng, cùng với gần 3.000 tỷ đồng thu hồi được trong quá trình điều tra vụ án, đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả.

Tòa sơ thẩm buộc bị cáo Đỗ Anh Dũng bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại.

Bị hại có được trả tiền lãi?

Tại bản án sơ thẩm chiều 27/3 vừa qua, tòa không chấp nhận yêu cầu của các bị hại về việc bị cáo Đỗ Anh Dũng phải trả tiền lãi .

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh có "hứa" trả lãi cho các hợp đồng trái phiếu đến hạn tính tới thời điểm trước khi mình bị khởi tố, bắt tạm giam. HĐXX cho hay đây là sự tự nguyện của bị cáo, không thuộc phạm vi xử lý vụ án.

Điều 6 của Luật Thi hành án dân sự nêu rõ, đương sự có quyền thỏa thuận thi hành án. Do đó, theo chấp hành viên, nếu người phải thi hành án - bị cáo Đỗ Anh Dũng, tự nguyện trả lãi thì người được thi hành án có thể được nhận lãi theo thỏa thuận, theo sự tự nguyện của người phải thi hành án.

>> Vụ án Tân Hoàng Minh: Khi nào nhà đầu tư được nhận lại tiền?

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng lĩnh án 8 năm tù

Vụ án Tân Hoàng Minh: Khi nào nhà đầu tư được nhận lại tiền?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/quy-trinh-thi-hanh-an-8-600-ty-dong-trong-vu-tan-hoang-minh-2266563.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quy trình thi hành án 8.600 tỷ đồng trong vụ Tân Hoàng Minh
    POWERED BY ONECMS & INTECH