Rộ tin đồn giá bán tại Con Cưng đắt hơn tại các siêu thị mẹ và bé khác, thực hư ra sao?

30-05-2023 05:27|Hồng Nhung

Thị trường chăm sóc mẹ và bé ở Việt Nam đang chứng kiến một cuộc đua hấp dẫn và sự cạnh tranh ngày một gia tăng, hiện chuỗi cửa hàng Con Cưng đang dẫn đầu với hơn 700 cửa hàng trên toàn quốc.

Thị trường mẹ và bé Việt Nam được VnDirect nhận định có quy mô lớn nhưng hiện 80% thị phần thuộc về các cửa hàng nhỏ. Thị trường này đã đạt được đà tăng trưởng ổn định trong các năm gần đây bất chấp đại dịch. Theo ước tính của Nielsen, doanh thu của thị trường này tại Việt Nam có thể đạt quy mô 7 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng lớn. Với khoảng 1,5 triệu trẻ được sinh ra mỗi năm, cùng với khả năng chi tiêu tăng lên và xu hướng chuộng hàng nội địa của các bậc phụ huynh, Nielsen nhận định là những động lực thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ cho mảng bán lẻ sản phẩm dành cho mẹ và bé Việt Nam trong thời gian tới.

Xét về lịch sử xuất hiện trên thị trường, Con Cưng có thể xem là bậc lão làng. Năm 2011, chuỗi cửa hàng này ra đời dưới sự dẫn dắt của bộ đôi doanh nhân Lưu Anh Tiến và Nguyễn Quốc Minh, dần dần trở thành công ty tiên phong tại Việt Nam trong mảng này. Năm 2016, sau 5 năm thành lập, Con Cưng đạt mốc 100 siêu thị trên hơn 30 tỉnh thành cả nước.

Tự nhận mình là một 'fan ruột' của Con Cưng, chị Bùi Thị Trang (TP.HCM) cho biết, từ lúc có con, hầu hết tất cả đồ dùng vợ chồng chị đều chọn mua ở hệ thống shop của thương hiệu này. "Mặc dù mình biết Con Cưng bán đắt hơn thị trường nhưng cái mình đặt ở đây là niềm tin. Da con nhỏ nhạy cảm nên mình thật sự mong muốn mua những sản phẩm có chất lượng và đảm bảo an toàn cho con. Nhiều lúc hai vợ chồng đi siêu thị, tính mua dầu ăn và sữa tắm cho con nhưng chồng cứ bảo về Con Cưng mua."

Nhìn vào kết quả kinh doanh của chuỗi cửa hàng Con Cưng vẫn có lãi trong năm 2022, tuy vậy lãi sau thuế cả năm chưa đến 5 tỷ đồng. Trong khi đó năm 2021- năm ảnh hưởng lớn của dịch bệnh - chuỗi Con Cưng vẫn mang về 90 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Xét về quy mô, hiện chuỗi Con Cưng đứng đầu thị trường với 288 cửa hàng với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng Toy City. Năm 2021, chuỗi siêu thị này cũng được nhắc đến nhiều sau khi phát hành trái phiếu, bởi tham vọng cán mốc 1.000 siêu thị, cửa hàng, trải rộng khắp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đến cuối năm.

Trước đó, chuỗi cửa hàng này còn vướng vào lùm xùm liên quan đến bày bán các sản phẩm có dấu hiệu không đăng ký kê khai giá bán lẻ, đội giá gần 10 lần, gây bức xúc trong dư luận. Dù đã được phản ánh vi phạm, nhưng các cửa hàng và cả shop online của doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên bày bán các sản phẩm trên.

Mạnh ở thị trường miền Bắc, Bibomart được thành lập 2006 với số vốn khởi nghiệp vỏn vẹn 130 triệu đồng vốn, 10 năm sau được định giá lại ở mức 42 triệu USD với doanh thu trên 100 triệu USD và hệ thống 150 cửa hàng.

Hay như Kids Plaza có 156 cửa hàng và đạt doanh thu từ 938 tỷ đồng năm 2019 lên 1.357 tỷ đồng trong năm 2021.

Tuy nhiên, xét về mặt giá cả, chị An Nhiên cho biết: "mua hàng ở Con Cưng đắt hơn các siêu thị khác từ 50-100.000 đồng. Như ở Avakids rẻ và nhiều chương trình khuyến mãi hơn".

Anh Nguyễn Ngọc Hải (Hà Nội) chia sẻ: "Đắt thật nhưng canh sale mua cũng có lợi, ví dụ mua bỉm Moony tốt nhưng đắt. Lâu lâu các cửa hàng có chương trình mua 3 bịch giá 900 tính ra 300k/bịch, tranh thủ hốt. Các đại lý lớn cũng bán 340k/bịch rồi. Con Cưng bán mấy gói ưu đãi 2 triệu, 3 triệu +100.000 nếu mua nhiều thì lợi, mình vẫn mua xen kẽ".

Một facebook tên Đàm Hằng: "Bán giá mắc gấp đôi chỗ khác, tui mua cái gối hơi cho bé mà 200.000 đồng, trong khi đó ở Coopmart bán 50.000 đồng. Con Cưng chỉ phù hợp với gia đình có điều kiện thôi".

"Đầu tư cho vợ con thì bao nhiêu tiền tôi cũng không tiếc. Tôi thường chọn mua những sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất, có nguồn gốc rõ ràng bất kể nội hay ngoại", ông Bùi Ngọc Sơn, một ông bố ở Tân Bình (TP.HCM), cho biết.

Xét về chất lượng sản phẩm, một khách quen của chuỗi cửa hàng Con Cưng chia sẻ: "từ khi con trai mới sinh, cho đến hiện tại đã được 3 tuổi cho biết, mình vô cùng tin tưởng uy tín của Con Cưng vì có nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng phù hợp, được nhiều hội nhóm chia sẻ."

Tuy nhiên khi biết được có nhiều sản phẩm Con Cưng đang kinh doanh bị báo chí phản ánh vi phạm pháp luật, bị đẩy giá lên gấp nhiều lần, khách hàng này đã vô cùng bất ngờ vì đó cũng là những sản phẩm mình từng mua.

Nhiều khách hàng chuyển hướng mua hàng xách tay, thay vì đến cửa hàng lựa chọn như trước đây. Theo chị Hồng Nhung (27 tuổi), mình chọn mua theo giới thiệu của bạn bè, mua hàng xách tay vừa rẻ hơn lại yên tâm vì có bill siêu thị nước ngoài".

Trong khi đó, nhiều khách hàng vẫn đặt niềm tin vào các chuỗi cửa hàng mẹ và bé. Chị Hằng Nga cho biết: "Mọi thứ rất khan hiếm trong mùa dịch, sữa và tã cho bé cũng rất khó mua nhưng nhờ Con Cưng mà mình có lượng sữa tã ổn định cho con suốt mấy tháng trời và nhân viên cũng rất nhiệt tình hỗ trợ giao tận nhà giúp mình".

Chị Mỹ Phúc (HCM) chia sẻ: " Biết là Con Cưng bán mắc hơn, nhưng đợt dịch covid vừa rồi, dù bị phong tỏa khắp nơi nhưng Con Cưng đã hỗ trợ giao sữa bỉm cho mình rất tốt nên cả đợt dịch ko thiếu gì. Nhớ lúc đó chỉ có Taxi MaiLinh hay Vinasun là được hoạt động, Con Cưng giao hàng bằng taxi qua cho mình luôn".

Chuỗi Con Cưng ngập nợ nghìn tỷ: Góc nhìn từ việc SSI tư vấn phát hành trái phiếu

Rót 90 triệu USD vào "Chúa Chổm" Con Cưng, quỹ Quadria kinh doanh thế nào?

Chuỗi Con Cưng: Nợ phải trả hơn 2.400 tỷ đồng, năm 2022 lãi chưa đến 5 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ro-tin-don-gia-ban-tai-con-cung-dat-hon-tai-cac-sieu-thi-me-va-be-khac-thuc-hu-ra-sao-185269.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Rộ tin đồn giá bán tại Con Cưng đắt hơn tại các siêu thị mẹ và bé khác, thực hư ra sao?
POWERED BY ONECMS & INTECH