Rút khỏi dự án chip 19,5 tỷ USD, Foxconn giáng đòn mạnh vào tham vọng bán dẫn của Ấn Độ

11-07-2023 18:30|Thủy Tiên

Quyết định của Foxconn là đòn giáng mạnh vào tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu của Ấn Độ.

Các đại gia sản xuất chip toàn cầu đã và đang đặt cược lớn vào Ấn Độ trong bối cảnh Mỹ thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với Trung Quốc.

Năm 2022, Foxconn - nổi tiếng với việc lắp ráp iPhone và các sản phẩm khác của Apple - và tập đoàn kim loại hóa dầu Vedanta của Ấn Độ đã hợp tác thành lập một nhà máy chế tạo chất bán dẫn tại bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Dự án bao gồm 1 nhà máy chế tạo chất bán dẫn với năng lực sản xuất khoảng 40.000 chip 40 nanomet mỗi tháng cho điện thoại di động, điện tử tiêu dùng, ô tô và thiết bị mạng.

Với số vốn đầu tư 19,5 tỷ USD, dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.

Dự án 19,5 tỷ USD đổ bể

Tuy nhiên, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới vừa tuyên bố rút khỏi liên doanh sản xuất chất bán dẫn trị giá 19,5 tỷ USD với Vedanta.

Foxconn cho biết họ đã làm việc với Vedanta hơn một năm để biến "một ý tưởng bán dẫn tuyệt vời thành hiện thực" nhưng lại không nêu rõ nguyên nhân rút lui.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi coi việc sản xuất chip là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh tế của nước này nhằm theo đuổi "kỷ nguyên mới" trong sản xuất điện tử. Do đó, động thái của Foxconn được đánh giá là đòn giáng mạnh vào tham vọng thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lần đầu sản xuất chip tại đây.

"Thỏa thuận thất bại chắc chắn là một trở ngại đối với nỗ lực Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ)", nhà phân tích Neil Shah từ hãng nghiên cứu Counterpoint nhận định. Chuyên gia này cho rằng động thái của Foxconn không phản ánh tốt và "khiến các công ty khác nghi ngờ" về Vedanta.

Trong khi đó, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho rằng việc hợp tác hay không là chuyện của hai công ty, khẳng định quyết định của Foxconn không ảnh hưởng đến kế hoạch về bán dẫn của quốc gia Nam Á này.

Đi tìm nguyên nhân

Theo Reuters, nguyên nhân có thể xuất phát từ những bất đồng giữa hai bên. Foxconn không hài lòng với việc chậm phê duyệt các ưu đãi của chính phủ, trong khi Ấn Độ yêu cầu cần có các ước tính chi phí từ liên doanh để đưa ra ưu đãi.

Bên cạnh đó là vấn đề đàm phán bế tắc liên quan đến một đối tác thứ ba - nhà sản xuất chip châu Âu STMicroelectronics.

Trong khi liên doanh Vedanta - Foxconn tìm cách để STMicroelectronics tham gia cấp phép công nghệ, thì chính phủ Ấn Độ lại khẳng định rõ quan điểm rằng họ muốn hãng chip châu Âu "tham gia đầu tư nhiều hơn", chẳng hạn như có cổ phần trong quan hệ đối tác.

Trái lại, STMicro không quan tâm đến yêu cầu này khiến các cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt.

Trong bối cảnh thất bại, Vedanta vẫn cam kết thành lập một nhà máy bán dẫn ở Ấn Độ, nói rằng họ sẽ "tăng gấp đôi nỗ lực để hoàn thành" tầm nhìn của Thủ tướng Modi về chất bán dẫn.

Ấn Độ liên tục mua và "rửa" dầu Nga rồi xuất sang Mỹ, châu Âu

3 năm sau cú vạ miệng tai hại của tỷ phú Jack Ma, Alibaba mất những gì?

Một hãng xe điện được Foxconn đầu tư nộp đơn xin phá sản

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/rut-khoi-du-an-chip-195-ty-usd-foxconn-giang-don-manh-vao-tham-vong-ban-dan-cua-an-do-191635.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Rút khỏi dự án chip 19,5 tỷ USD, Foxconn giáng đòn mạnh vào tham vọng bán dẫn của Ấn Độ
POWERED BY ONECMS & INTECH