Không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt sắc, Sa Pa còn có những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, nơi hàng nghìn Phật tử về chiêm bái, cầu an mỗi dịp lễ Tết. Và trong số các điểm đến du Xuân phía Bắc, Sa Pa luôn là một điểm đến không thể bỏ qua, với vô số những trải nghiệm ngắm cảnh, chơi xuân, dự hội xuân vùng cao đặc sắc.
Ngây ngất muôn sắc xuân
Khi ấm áp dịu ngọt lả lơi khắp núi đồi, dần thế chỗ những màn sương mờ ảo và xám lạnh, cũng là lúc xuân đã về với non cao - Sa Pa.
Những ngày đầu xuân, không gian còn vấn vương cái lạnh mùa đông. Sương mù vẫn giăng giăng, Sa Pa – “Nàng thơ” của Tây Bắc mùa xuân vì thế đẹp mơ màng.
Giữa những mê mải của sắc xuân, Sa Pa vẫn khiến người ta ngỡ ngàng với sự biến đổi khôn lường của thời tiết, khung cảnh. Dự báo Tết này, trong đợt không khí lạnh tăng cường về phía Bắc, đỉnh Fansipan sẽ lại xuất hiện mưa tuyết rơi dày, thỏa lòng mong mỏi của du khách được một lần đón tuyết ở Việt Nam.
Từ tuyến cáp treo, núi rừng Hoàng Liên như “dát bạc” trong ngày tuyết rơi.
Trước đó vào ngày 28-29/12//2022 mưa tuyết đã rơi dày, bao trùm cả một vùng không gian rộng lớn trên đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương. Có lẽ bởi sẵn có vẻ đẹp núi rừng hùng vĩ mà khung cảnh mưa tuyết ở đây được ví như chốn bồng lai tiên cảnh. Đặc biệt tuyết rơi dày phủ trắng quần thể tâm linh Fansipan mang dáng dấp chùa Việt cổ, khiến nơi đây càng khoác lên vẻ đẹp huyền hoặc như cổ tích.
Điểm đến du lịch tâm linh hàng đầu Tây Bắc
Đi lễ đầu năm và tạ lễ cuối năm là một trong những nét văn hóa tâm linh của người Việt, với mong muốn gạt bỏ muộn phiền và âu lo của năm cũ, tìm đến bình an, may mắn và sung túc trong năm mới. Vì vậy, vào những dịp này, Phật tử thường tìm về cửa chùa đất Phật hành hương, công đức, cầu an, kết hợp vãn cảnh. Và ở miền Bắc, Sa Pa là một trong những điểm đến sở hữu văn hóa tín ngưỡng và thờ cúng độc đáo.
Đại Tượng Phật A Di Đà uy nghi trong sương mây.
Đến Sa Pa là phải tới Đền Mẫu Thượng hay còn gọi là Đền Mẫu, một trong 3 ngôi đền vô cùng nổi tiếng ở thị xã. Ngôi đền cổ kính thế lưng tựa núi đã có niên đại hơn 200 năm, là nơi thờ Công chúa Liễu Hạnh, bà chúa Thượng Ngàn, mà trong văn hóa tín ngưỡng người Việt là người cai quản vùng núi non. Bên cạnh đền Mẫu Thượng, ở Sa Pa còn 2 ngôi đền linh thiêng khác là Đền Mẫu Sơn thờ bà Mẫu Hạnh cùng đền Hàng Phố thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Theo tương truyền, đây đều là những thánh nhân cai quản bờ cõi, được người dân lập đền để ghi nhớ công ơn.
Bên cạnh những ngôi đền, chùa cổ kính từ ngàn xưa tại Sa Pa, hiện hữu trên đỉnh thiêng Fansipan là quần thể văn hóa tâm linh uy nghi, tựa như kiệt tác giữa mây ngàn gió núi. Đây cũng là điểm đến tâm linh mà hàng ngàn Phật tử du khách tìm về mỗi dịp đầu và cuối năm, như một nghi thức để tiễn năm cũ, đón năm mới với thật nhiều tài lộc, may mắn, vạn sự thuận lợi, hanh thông.
Rộn ràng lễ hội mừng xuân
Sa Pa cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách hàng đầu bởi nét đẹp văn hóa bản địa, khi đây là nơi tụ cư của 6 dân tộc anh em Kinh, H'Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó. Dù dân tộc nào cũng có bản sắc và những tập tục riêng mình, song cùng có một điểm chung là những lễ hội độc đáo, đặc sắc đều được tổ chức trong mùa xuân, mùa được coi là sự khởi đầu của sức sống, của sinh sôi và nảy nở.
Để du khách có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm những nét riêng có ấy, Sa Pa sẽ tổ chức Lễ hội mùa xuân tới hết ngày 21/2. Đến Sa Pa trong tháng Giêng, du khách như được bước lên chuyến tàu du hành qua các nền văn hóa khác nhau, xuyên suốt các lễ hội Róong Pọoc của dân tộc Giáy tổ chức tại Tả Van, Lễ hội hát giao duyên của dân tộc Giao tổ chức ở Tả Phìn, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc H’Mong tại xã Hoàng Liên, Lễ hội Lồng Tồng (Xuống đồng) của dân tộc Tày và hàng loạt hoạt động hấp dẫn khác.
Mùa xuân, hoa đào nở hồng dọc lối đi ở nhà ga cáp treo, sưởi ấm trái tim lữ khách dù mây mù còn giăng giăng.
Không khí Tết vùng cao cũng đã sớm tràn ngập ở Sun World Fansipan Legend. Từ nhà ga tới đỉnh Fansipan cũng bạt ngàn sắc hoa xuân, nào cải vàng cuối đông bên sườn núi, nào là hoa mận, đào rừng mộc mạc không kém phần quyến rũ. Du khách sẽ thỏa sức check-in với những chú mèo tượng trưng cho năm Quý Mão trong trang phục thổ cẩm dọc khắp khu du lịch hay tận hưởng Tết vùng cao ở Chợ quê ở nhà ga đi, với cây nêu, những sạp hàng ngập sản vật và đồ thủ công Tây Bắc.
Trong tháng Giêng, UBND thị xã Sa Pa phối hợp cùng khu du lịch tổ chức Lễ hội Khèn Hoa 2023 tại khu vực nhà ga đi cáp treo, mang tới hàng loạt sự kiện văn hóa đặc sắc. Hàng ngày, những nghệ nhân của Sa Pa sẽ trình diễn múa khèn, điệu múa lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ của dân tộc H’Mong. Tiếng khèn reo vui, những điệu múa dập dìu và uyển chuyển thay cho lời chúc xuân, chúc những điều may mắn của người H’Mong. Chưa hết, du khách đừng quên cùng bạn bè và người thân tham gia các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ, đi cầu 1 dây, đi cà kheo, ném còn, đẩy gậy… hay cùng các nghệ nhân thổi xôi, giã gạo làm bánh dày, làm bánh chưng.
Trải nghiệm gói bánh chưng ở Sun World Fansipan Legend.
Là hoạt động văn hóa tâm linh được tổ chức thường niên tại khu du lịch, Hội xuân mở cổng trời năm nay được tổ chức trong tháng Giêng. Hành trình du xuân bái Phật trên đỉnh thiêng Fansipan dịp này càng thêm ý nghĩa khi du khách được tham dự lễ rước, lễ cầu Quốc thái dân an trong tiếng kinh cầu của hàng trăm đạo tràng, tăng ni và Phật tử. Mỗi du khách đến với quần thể tâm linh Fansipan cũng được nhận những tấm giấy đỏ, tượng trưng cho lời chúc may mắn, bình an cho năm mới. Đặc biệt sau phần lễ, đừng quên hòa mình trong hội với các tiết mục múa trống tâm linh, múa thiền…
Thiên nhiên làm say đắm lòng người, nhiều điểm đến tâm linh linh thiêng, đặc sắc các lễ hội mừng xuân, Sa Pa sẽ không hổ danh điểm đến hàng đầu cho các tín đồ, Phật tử và du khách bốn phương mỗi dịp Tết đến xuân về./.
Sa Pa chuẩn bị đấu giá khu đất 80.000m2, khởi điểm hơn 900 tỷ đồng
9X Sa Pa gom mâm, thớt gỗ cũ, 'biến' thành tranh chân dung người cao tuổi