Doanh nghiệp A-Z

Sân bay 7.000 tỷ đồng lớn nhất vùng Tây Bắc ‘đỏ mắt’ tìm nhà đầu tư

Ánh Nguyệt 15/09/2024 13:00

Dự án Cảng hàng không Sa Pa gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư khi chưa có đơn vị nào đăng ký sau 2 lần mở thầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định liên ngành vừa ban hành Thông báo số 72/TB-BKHĐT về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Vụ Phát triển hạ tầng và Đô thị tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định, dựa trên các tài liệu bổ sung từ UBND tỉnh Lào Cai và xin ý kiến biểu quyết từ các thành viên Hội đồng.

Được biết, dự án Cảng hàng không Sa Pa đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp.

Trước đó, Hội đồng Thẩm định cho biết các nguyên nhân chưa chọn được nhà đầu tư, trong đó có tỷ lệ vốn nhà nước thấp, khung giá, phí chưa hấp dẫn và cơ chế chia sẻ doanh thu chưa hợp lý. Dù có 2 nhà đầu tư quan tâm là Sun Group và Tập đoàn T&T nhưng sau 2 lần phát hành hồ sơ mời thầu lại không có bất kỳ đơn vị nào nộp hồ sơ đăng ký.

Theo đó, Hội đồng Thẩm định yêu cầu tỉnh rút kinh nghiệm, tìm phương án xử lý và thu hút thêm nhà đầu tư tiềm năng. Ngoài ra, cần phân tích thêm mối liên hệ giữa việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước và việc không có nhà đầu tư tham dự thầu.

UBND tỉnh Lào Cai cũng được đề nghị phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để đảm bảo tính khả thi trong việc thu hút vốn cho dự án, nhất là khi Bộ đang lập đề án xã hội hóa ngành hàng không.

Sân bay 7.000 tỷ đồng lớn nhất vùng Tây Bắc ‘đỏ mắt’ tìm nhà đầu tư
Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa với vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng

Theo UBND tỉnh Lào Cai, đầu tư sân bay đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài, làm nhiều nhà đầu tư e ngại, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 và thị trường bất động sản gặp khó khăn. Để khắc phục, tỉnh đã đề xuất giảm các yêu cầu về kinh nghiệm dự thầu và tăng vốn nhà nước lên 49,71% tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm định vẫn lo ngại về tính khả thi và hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, các yếu tố như khung giá, phí và dự báo nhu cầu vận tải chưa đủ cơ sở thuyết phục, khi thời gian hoàn vốn dự kiến kéo dài đến 43 năm và 11 tháng, khiến dự án khó thu hút được vốn từ các ngân hàng thương mại.

UBND tỉnh Lào Cai cũng thừa nhận rằng đầu tư cảng hàng không thường có dòng tiền yếu trong những năm đầu khai thác, và việc huy động vốn tín dụng là thách thức lớn. Do đó, tỉnh đang nghiên cứu các nguồn vốn bổ sung, bao gồm vay tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để tăng sự hấp dẫn cho dự án.

Cảng hàng không Sa Pa nằm tại địa bàn xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai với diện tích 370ha. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 6.948 tỷ đồng, phân kỳ làm 2 giai đoạn. Dự án được quy hoạch trở thành cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ quân sự và chở khách.

Ước tính, cảng hàng không này nhằm đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm và nâng lên 3 triệu hành khách/năm khi hoàn thành giai đoạn 2. Dự án được kỳ vọng sau khi hoàn tất sẽ khai thác được các loại tàu bay như Airbus A320, A321 và tương đương trở xuống với 9 vị trí đỗ máy bay, đồng thời đây sẽ là sân bay lớn nhất Tây Bắc.

>> Tỉnh 'sát vách' Trung Quốc đề xuất 'rót' thêm 725 tỷ đồng cho dự án sân bay quy mô 1,5 triệu hành khách/năm

Thương vụ F88, Mekong Capital còn hy vọng thu lời nhân 10 như Thế giới Di động?

Nối bước Trung Nguyên, Vinamilk, doanh nghiệp bánh kẹo gần 30 năm tuổi chi 45 tỷ chinh phục thị trường Trung Quốc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/san-bay-7000-ty-dong-lon-nhat-vung-tay-bac-do-mat-tim-nha-dau-tu-248963.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sân bay 7.000 tỷ đồng lớn nhất vùng Tây Bắc ‘đỏ mắt’ tìm nhà đầu tư
    POWERED BY ONECMS & INTECH