Doanh nghiệp A-Z

Thương vụ F88, Mekong Capital còn hy vọng thu lời nhân 10 như Thế giới Di động?

Khương Lê 15/09/2024 11:03

Sau 7 năm đồng hành cùng Mekong Capital, F88 dẫu đã chuyển mình về quy mô nhưng khó có thể trở thành "gà đẻ trứng vàng" như Thế Giới Di Động hơn chục năm trước.

Khoản đầu tư 50 triệu USD và kỳ vọng về Thế Giới Di Động thứ hai

Năm 2017, sự kiện F88 – một chuỗi cầm đồ sở hữu 15 cửa hàng tại miền Bắc, nhận được đầu tư của Mekong Capital – quỹ từng thành công với thương vụ đình đám rót vốn vào Thế Giới Di Động (MWG), khiến giới tài chính bất ngờ. Hai bên không tiết lộ số tiền đầu tư vòng một, nhưng theo giới thạo tin khi ấy, con số có thể lên đến gần 20 triệu USD.

Thời điểm công bố đầu tư, một phóng viên hỏi ông Chris Freund, Founder kiêm CEO Mekong Capital, liệu F88có thể trở thành Thế Giới Di Động tiếp theo không?

“Tôi trả lời rằng, F88 có nhiều cơ hội thành công như Thế Giới Di Động”, ông Chris Freund kể lại.

 F88 hụt cơ hội niêm yết tỷ đô, Mekong Capital còn hy vọng thu lời hàng chục lần như với Thế Giới Di Động? - ảnh 1
Ra đời vào năm 2013, doanh thu chính của F88 đến từ hoạt động cho vay cầm đồ, trước đây chủ yếu cầm cố xe máy

Sáu năm sau, vào tháng 3/2023, Mekong Capital tiếp tục đầu tư vào F88 thông qua Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV), nâng tổng số vốn đầu tư vào chuỗi cầm đồ này lên 50 triệu USD.

Nhìn lại cách Mekong Capital đầu tư vào F88, có nhiều điểm tương đồng như họ đã làm với Thế Giới Di Động cách đây 17 năm.

Đầu tiên, Mekong Capital chọn ngành, lĩnh vực nhìn được tiềm năng phát triển, quy mô thị trường đủ lớn nhưng các nhà cung cấp manh mún, chưa xuất hiện người dẫn đầu. Khẩu vị đầu tư này phản ánh ở nhiều thương vụ Mekong Capital tham gia, như Pharmacity, Thế Giới Di Động, Vua Nệm,…

Điểm tương đồng thứ hai là sau khi Mekong Capital rót vốn, F88 cũng trải qua quá trình tăng trưởng nhanh chóng về số lượng cửa hàng vật lý, phủ khắp 63 tỉnh thành, tương tự như Thế Giới Di Động trước đây. Trong vòng 5 năm, từ 15 cửa hàng ban đầu, F88 đạt mốc 800 cửa hàng vào tháng 10/2022, trở thành chuỗi cầm đồ lớn nhất Việt Nam.

Trên đà phát triển, ban lãnh đạo F88 tự tin đặt mục tiêu đạt 1.000 phòng giao dịch vào năm 2023, tiến tới 1.500 phòng giao dịch và niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2024.

Tuy nhiên, công thức "mở đâu thắng đó" từ Thế Giới Di Động không còn đúng với F88. Năm 2023, công ty báo lỗ kỷ lục hơn 520 tỷ đồng, nguyên nhân do chất lượng khoản vay xấu đi, trích lập dự phòng tăng mạnh. Sau khoản lỗ này, tốc độ mở cửa hàng của F88 chậm lại đáng kể. Tính đến ngày 31/3 năm nay, số lượng cửa hàng trong hệ thống chuỗi cầm đồ lớn nhất Việt Nam dừng lại ở con số 813 điểm, thông tin theo FiinRatings.

Tương đồng về chiến lược phủ rộng, nhưng khả năng sinh lời ở Thế Giới Di Động và F88 chênh lệch rõ ràng.

Đi cùng sự gia tăng nhanh chóng về số lượng cửa hàng, mức tăng trưởng lợi nhuận của Thế Giới Di Động được Mekong Capital mô tả là “đáng kinh ngạc”. Thời điểm Mekong Capital hoàn tất việc thoái vốn vào tháng 1/2018, Thế Giới Di Động có hơn 2.000 cửa hàng và mang lại tỷ suất lợi nhuận gấp 57 lần cho Quỹ trong suốt thời gian đầu tư.

 F88 hụt cơ hội niêm yết tỷ đô, Mekong Capital còn hy vọng thu lời hàng chục lần như với Thế Giới Di Động? - ảnh 2
(Lợi nhuận sau thuế của TGDĐ. Nguồn: TGDĐ)

Trong khi đó, F88 chưa cho thấy khả năng “đẻ trứng vàng”. Chuỗi cầm đồ có lợi nhuận ở mức bình thường với vài chục tỷ đồng mỗi năm, tương ứng ROE trên dưới 10% (Năm 2019: 9%; Năm 2020: 13%; Năm 2021: 11%). Năm 2022, F88 bất ngờ lãi kỷ lục hơn 200 tỷ đồng (ROE đạt hơn 31%) nhưng ngay năm sau lại lao đầu lỗ kỷ lục hơn 520 tỷ đồng.

 F88 hụt cơ hội niêm yết tỷ đô, Mekong Capital còn hy vọng thu lời hàng chục lần như với Thế Giới Di Động? - ảnh 3
Lợi nhuận sau thuế của F88, đơn vị: tỷ đồng

Điểm tương đồng thứ ba là lộ trình niêm yết trên sàn chứng khoán đều xoay quanh thời gian 7 năm. Thế Giới Di Động niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2014, sau 7 năm kể từ khi Mekong Capital rót vốn vào năm 2007. Tương tự, F88 công bố kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2024, cũng đúng 7 năm sau khi Mekong Capital đầu tư vào công ty.

1 tỷ USD – tham vọng hay “ngáo giá”?

Không gian phục vụ chuyên nghiệp, lịch sự, hoạt động kinh doanh ứng dụng công nghệ hiện đại,.... tất cả những điều này không làm thay đổi bản chất, F88 là doanh nghiệp cầm đồ, không phải công ty tài chính hoạt động theo Luật các Tổ chức Tín dụng.

Những chuỗi cầm đồ hiện đại như F88, Vietmoney, “Người bạn vàng”... chịu sự quản lý của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP tương tự cửa hàng cầm đồ truyền thống và hoạt động dưới dạng thỏa thuận dân sự. Các chuỗi này nổi trội hơn so với tiệm cầm đồ nhỏ lẻ ở khâu chuẩn hóa quy trình vận hành, đầu tư hình ảnh, thương hiệu, mở rộng hệ thống và tính minh bạch trong kinh doanh.

Ra đời vào năm 2013, doanh thu chính của F88 đến từ hoạt động cho vay cầm đồ, trước đây chủ yếu cầm cố xe máy, nay đang chuyển dịch sang cầm cố ô tô. Ngoài ra, công ty còn làm đại lý bảo hiểm.

Năm ngoái, CEO F88, ông Phùng Anh Tuấn, cho biết về mục tiêu niêm yết công ty trên sàn HOSE với mức định giá 1 tỷ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, lỗ hơn 500 tỷ đồng vào năm ngoái, khả năng đưa cổ phiếu F88 lên sàn chứng khoán khó có thể thực hiện trong năm nay. Bởi lẽ, theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP, một trong những điều kiện để niêm yết cổ phiếu là tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải đạt tối thiểu 5%, và hoạt động kinh doanh hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi.

Bước sang năm 2024, công ty ghi nhận 2 quý lãi liên tiếp, tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm là 89 tỷ đồng. Giữ tốc độ trên, F88 cần khoảng 3 năm để bù lại khoản lỗ năm 2023.

Ngoài lỡ hẹn về tiến độ, mức định giá 1 tỷ USD của chuỗi cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi.

1 tỷ USD, tương đương khoảng 24.500 tỷ đồng, không phải là số nhỏ nếu nhìn vào bức tranh chung trên sàn HOSE. Theo thống kê, đến hết tháng 4 năm nay, chỉ có 39 doanh nghiệp trên sàn HOSE vốn hóa vượt 1 tỷ USD.

Để dễ hình dung, có thể so sánh F88 với một ngân hàng tầm trung tại Việt Nam như Nam A Bank (NAB). Vốn hóa chưa tới 1 tỷ USD (21.500 tỷ đồng) nhưng vốn điều lệ của NAB trên 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 3 năm gần nhất đều vượt 1.000 tỷ đồng, riêng năm gần nhất hơn 2.600 tỷ đồng, lớn hơn nhiều lần so với F88.

Hiện nay, tại Việt Nam chưa doanh nghiệp cầm đồ nào niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, các chuỗi cầm đồ quy mô lớn đã hoàn thành IPO, đạt giá trị vốn hóa hàng tỷ đô la.

Tại Singapore, công ty cầm đồ lớn nhất là MaxiCash, có 45 cửa hàng chuyên cầm cố vàng và trang sức, niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore, giá trị vốn hóa khoảng 1,1 tỷ USD. Tại Mỹ, chuỗi cầm đồ First Cash, có 2.500 cửa hàng ở Mỹ, Mexico, Guatemala, El Salvador và Colombia, niêm yết trên thị trường chứng khoán NASDAQ, giá trị vốn hóa 4,5 tỷ USD.

Tại Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á điều kiện kinh tế tương đồng Việt Nam, ba chuỗi cầm đồ lớn là Ngern Tid Lor, Srisawad và Muang Thai Capital (MTC) đều đã niêm yết.

Nếu để so sánh, các chuỗi kể trên đều có quy mô lợi nhuận và tổng tài sản lớn hơn nhiều so với F88. Đơn cử như Muang Thai Capital, vốn hóa 102,8 tỷ Baht (khoảng 2,9 tỷ USD), lợi nhuận ròng bốn năm gần nhất đều ở mức trên dưới 5 tỷ Baht (khoảng 148 triệu USD, 3.500 tỷ VNĐ).

Với khả năng sinh lời như hiện tại và rủi ro tương đối cao từ thị trường cho vay tiêu dùng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, F88 gần như không có cơ hội viết lại câu chuyện sinh lời “đáng kinh ngạc” của Thế Giới Di Động hơn chục năm trước.

Tuy nhiên, dù không đẻ được trứng vàng, chuỗi cầm đồ lớn nhất Việt Nam vẫn rất “được lòng” các chủ đầu tư, đặc biệt các “cá mập ngoại”. Theo đó, vốn quốc tế chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn của F88. Quỹ đầu tư rót vốn vào F88 theo hai hình thức, hoặc đầu tư để đổi lấy cổ phần công ty, hoặc cho vay lãi suất ưu đãi.

Tính đến ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của F88 đạt 1.519,6 tỷ đồng, nợ phải trả là gần 2.978 tỷ đồng, tổng quy mô nguồn vốn lên tới gần 4.500 tỷ đồng.

Ngoài Mekong Capital, F88 còn nhà đầu tư quốc tế khác là Granite Oak Advisors Ltd, quỹ có trụ sở tại London, Anh và VOI - Quỹ Đầu tư Việt Nam - Oman trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam Oman.

Đặc biệt, nhờ phát hành cổ phần cho VOI và MEF IV (thuộc Mekong Capital) ở vòng gọi vốn series C, tháng 3/2023, F88 nâng vốn chủ sở hữu lên 1.673 tỷ đồng, gấp 3 lần thời điểm trước tăng vốn.

Bên cạnh tăng vốn chủ sở hữu, chuỗi cầm đồ này còn huy động được khoản vay ưu đãi từ công ty tài chính và công ty quản lý quỹ lớn trên thế giới. Năm 2022, F88 huy động thành công 70 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London). Được biết, khoản vay trị giá 50 triệu USD là khoản vay lớn nhất mà CLSA từng duyệt cho công ty kinh doanh tài chính trong hàng chục năm qua.

Về phát hành trái phiếu, tính đến ngày 30/6, dư nợ trái phiếu của F88 ở mức 593 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, F88 phát hành thành công 3 lô trái phiếu, tổng giá trị 150 tỷ đồng. Trước đó, nửa đầu năm ngoái, F88 đã thanh toán 1.250 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư, đưa dư nợ trái phiếu về mức 220,9 tỷ đồng.

>> Chân dung nữ Giám đốc Nhân sự vừa được bổ nhiệm của Mekong Capital

F88 đang gánh khoản nợ phải trả 3.000 tỷ đồng

Chuỗi cầm đồ F88 báo lãi bình quân gần 500 triệu đồng mỗi ngày

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/f88-hut-co-hoi-niem-yet-ty-do-mekong-capital-con-hy-vong-thu-loi-hang-chuc-lan-nhu-voi-the-gioi-di-dong-126882.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thương vụ F88, Mekong Capital còn hy vọng thu lời nhân 10 như Thế giới Di động?
    POWERED BY ONECMS & INTECH