Đóng cửa sân bay quốc tế ở tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam: ACV công bố thời gian dự kiến
Dự kiến, sân bay sẽ bắt đầu đóng cửa để thi công vào tháng 3/2026 và hoàn tất trước mùa mưa.
Theo thông tin từ Báo Lâm Đồng, chiều 16/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để thảo luận phương án nâng cấp và cải tạo Cảng hàng không quốc tế Liên Khương. Trong đó, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là thời gian đóng cửa sân bay Liên Khương để phục vụ công tác nâng cấp, sửa chữa.

Sân bay quốc tế Liên Khương đóng vai trò then chốt trong việc kết nối giao thông giữa Lâm Đồng với các địa phương trong nước và quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2025, sân bay đã đón gần 1 triệu lượt khách. Với tốc độ tăng trưởng hành khách trung bình khoảng 10% mỗi năm, dự báo đến năm 2030, lưu lượng hành khách có thể vượt mốc 3,5 triệu lượt/năm. Như vậy, cơ sở hạ tầng hiện tại đã quá tải, không đáp ứng kịp với sự tăng trưởng mạnh mẽ này.
Trước nhu cầu vận tải ngày càng tăng, việc cải tạo và mở rộng sân bay được xem là yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cũng như phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và du khách.
Tuy nhiên, phương án tạm đóng cửa sân bay trong thời gian nâng cấp đặt ra nhiều thách thức, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm cuối năm khi nhu cầu di chuyển của người dân và du khách tăng cao. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất lùi thời điểm tạm dừng hoạt động sân bay sang năm 2026, sau khi các dự án giao thông quan trọng kết nối địa phương dự kiến được hoàn thành. Đề xuất này nhằm hạn chế tối đa tác động đến các hoạt động kinh tế, du lịch và đời sống người dân.
Trước đề xuất nói trên, lãnh đạo ACV bày tỏ sự đồng thuận và cho biết sẽ tìm kiếm phương án phù hợp nhằm giữ cho sân bay Liên Khương tiếp tục hoạt động đến hết năm 2025. Dự kiến, sân bay sẽ bắt đầu đóng cửa để thi công vào tháng 3/2026 và hoàn tất trước mùa mưa.

Theo kế hoạch, ACV sẽ đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng cho dự án, bao gồm việc xây dựng nhà ga hành khách mới cùng nhiều hạng mục hạ tầng đồng bộ khác. Khi hoàn thành, công suất phục vụ của cảng hàng không này được kỳ vọng sẽ đạt trên 5 triệu lượt khách mỗi năm sau năm 2030.
Từ ngày 1/7, tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng được sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới mang tên tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm chính trị – hành chính của tỉnh mới được đặt tại TP. Đà Lạt. Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập có diện tích tự nhiên 24.233km2, quy mô dân số đạt 3.324.400 người. Như vậy, sau khi sáp nhập, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước.
>>Sân bay từng là căn cứ của Không quân Việt Nam nhận chỉ đạo mới