Việt Nam sẽ có thêm 2 sân bay mới, vị trí đặc biệt có '1 không 2'?
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, ngành hàng không, đặc biệt là hệ thống hạ tầng hàng không có tính đặc thù cao và gắn bó chặt chẽ với tiến trình hội nhập quốc tế.
Theo nguồn tin từ Báo Xây dựng, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những điểm nổi bật của điều chỉnh quy hoạch này là đề xuất bổ sung hai cảng hàng không mới vào hệ thống cảng hàng không quốc gia, gồm Cảng hàng không Măng Đen (tỉnh Kon Tum) và Cảng hàng không Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa). Bên cạnh đó, việc cập nhật và điều chỉnh một số nội dung khác của quy hoạch cũng sẽ được nghiên cứu nếu thấy cần thiết.

Trong báo cáo, Bộ Xây dựng đánh giá tổng thể các điều kiện về tự nhiên, kinh tế – xã hội tại khu vực dự kiến bổ sung cảng hàng không. Song song đó, các yếu tố kỹ thuật phục vụ việc lựa chọn vị trí xây dựng, dự báo nhu cầu vận tải trong tương lai và tác động đến kinh tế – xã hội, môi trường của việc hình thành các sân bay mới cũng sẽ được phân tích.
Ngoài ra, Bộ cũng làm rõ khả năng tổ chức vùng trời, thiết kế phương thức bay, xác định sơ bộ vai trò, tính chất, công suất khai thác và loại tàu bay phù hợp. Quy hoạch định hướng sử dụng đất, liên kết giao thông đa phương thức và ước tính nguồn vốn đầu tư cùng các giải pháp thực hiện cũng nằm trong phạm vi nghiên cứu.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, ngành hàng không, đặc biệt là hệ thống hạ tầng hàng không có tính đặc thù cao và gắn bó chặt chẽ với tiến trình hội nhập quốc tế. Đây là một thành phần then chốt trong mạng lưới hạ tầng kinh tế – xã hội quốc gia và được xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Do đó, quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không cần được thực hiện theo hướng đồng bộ, bền vững và phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu của ngành hàng không.
Sân bay Măng Đen

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, sân bay Măng Đen tọa lạc tại xã Măng Đen, tỉnh Quảng Ngãi. Vị trí dự kiến này cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng 45km về phía Đông Bắc, cách sân bay Pleiku khoảng 73km về phía Đông Bắc, cách sân bay Phù Cát khoảng 105km về phía Tây Bắc và cách sân bay Chu Lai khoảng 93km về phía Tây Nam. Sân bay dự kiến có diện tích 350ha, nằm hoàn toàn trên khu vực đồi núi.
Quy hoạch cho biết, dự kiến đến năm 2030, sân bay đón khoảng 1 triệu khách/năm, cấp sân bay 4C theo phân cấp của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), có thể đón các máy bay như A320/321.

Dự kiến tổng vốn đầu tư Cảng hàng không Măng Đen giai đoạn đầu gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng khoảng 327 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 48,4 năm.
Sân bay Vân Phong
Trong khi đó, sân bay Vân Phong có vị trí dự kiến tại xã Vạn Thắng, tỉnh Khánh Hòa; cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 65km về phía Nam, cách Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh khoảng 108km về phía Nam, cách Cảng hàng không Tuy Hòa khoảng 48km về phía Bắc.

Theo quy hoạch, tổng diện tích sân bay là hơn 497ha, nằm hoàn toàn trên khu vực mặt nước gần bờ, không có dân cư sinh sống, không có rừng phòng hộ hay khu vực neo đậu tàu thuyền, rất thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng.
Nếu đề xuất này được thông qua, đây sẽ là sân bay đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng hoàn toàn trên mặt nước.
Tuy nhiên, để thực hiện được công trình này, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp, đánh giá nhiều yếu tố để không làm ảnh hưởng tới sân bay trong trường hợp nước biển dâng.
Dự kiến đến năm 2030, công suất sân bay đạt khoảng 1,5 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 2,5 triệu hành khách/năm; cấp sân bay 4E có thể đón được các loại máy bay cỡ lớn như A350/B787.
Tổng vốn đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Phong giai đoạn đầu là khoảng 9.214 tỷ đồng.
*Tổng hợp