Bộ Công Thương cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản nguồn cung để xăng dầu không bị thiếu hụt từ nay cho đến ít nhất là đầu tháng 4/2022
Kể từ đầu năm cho đến nay, giá xăng dầu tại Việt Nam đã tăng lần thứ 4 liên tiếp, trong đó lần tăng ngày 21/2 vừa qua là mức tăng cao kỷ lục trong 8 năm kể từ tháng 7/2014.
Theo đại diện Bộ Công Thương, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu dự kiến cộng với xăng dầu dự trữ tồn kho sẽ đạt khoảng 3,8 triệu tấn vào cuối tháng 2 này. So với mức tiêu dùng hàng tháng là 1,8 đến 2 triệu tấn, nguồn cung xăng dầu hiện nay hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của người dân cũng như doanh nghiệp.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Bộ Công Thương cũng tính các phương án từ tháng 3 trở đi, ví dụ nhà máy Nghi Sơn vận hành 50% công suất, 85% hay 100% công suất. Thậm chí, nếu không có nguồn từ Nghi Sơn, Bộ Công Thương cũng tính các phương án nhập khẩu. Tuy nhiên, phải giao trước các doanh nghiệp đầu mối và đề nghị Nghi Sơn có thông báo rõ điều chỉnh kế hoạch để đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Trước những lo ngại về việc giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, theo các chuyên gia, việc cơ quan quản lý sớm chủ động các kịch bản điều hành nguồn cung sẽ góp phần ổn định giá và kiềm chế lạm phát.
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định: "Lạm phát tăng cao chủ yếu do nguyên nhân xăng dầu. Khi giá xăng dầu thế giới tương đối ổn định và giá trong nước cũng ổn định, đây là nhân tố quyết định làm cho mặt bằng lạm phát, mặt bằng giá giảm, lạm phát cũng giảm".
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thanh tra 33 đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu và xử lý nghiêm các hành vi "găm hàng" không muốn bán ra, chờ tăng giá.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng
Cửa hàng xăng dầu ở Vũng Tàu bị tạm dừng 5 trụ bơm do có dấu hiệu gian lận