Sản xuất bằng 5 lần thế giới cộng lại, Trung Quốc lâm vào khủng hoảng thừa năng lượng mặt trời
Sản lượng dư thừa đã khiến giá cả và lợi nhuận của ngành năng lượng từng bùng nổ của Trung Quốc sụt giảm khủng hoảng nghiêm trọng.
Phát triển như vũ bão
Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc chiếm ưu thế trong mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, từ polysilicon (thành phần chính của tấm pin năng lượng mặt trời) đến thành phẩm. Theo chuyên gia Wood Mackenzie, năng lực sản xuất mô-đun ở nước này đạt khoảng 1.000 gigawatt (gw) vào năm 2023, gấp 5 lần so với phần còn lại của thế giới cộng lại.
Nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới nằm trên sa mạc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc |
Tăng trưởng ngành của Trung Quốc gấp 3 lần so với năm 2021, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, bất chấp nỗ lực của Mỹ và phần còn lại của thế giới đang cố gắng để theo kịp công suất khổng lồ này. Trung Quốc hiện có thể sản xuất số lượng mô-đun năng lượng mặt trời nhiều gấp đôi số lượng mà cả thế giới lắp đặt mỗi năm.
Sự mở rộng nguồn cung này giúp giảm chi phí năng lượng sạch cho người tiêu dùng, đóng vai trò đối trọng với chi phí vốn ngày càng tăng cần thiết để phát triển các khu hấp thụ năng lượng mặt trời. Trong thời kỳ đại dịch, giá mô-đun năng lượng mặt trời tăng vọt do nguồn cung polysilicon thiếu hụt. Tuy nhiên, kể từ đó, giá toàn cầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục dưới 10 cent/watt.
Khủng hoảng thừa
Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nhanh chóng và vượt xa nhu cầu toàn cầu cũng đã làm mất đi phần lớn lợi nhuận của ngành. Polysilicon, tấm bán dẫn, tế bào và mô-đun thành phẩm hiện được bán dưới mức giá sản xuất trung bình.
Theo Wood Mackenzie, giá sụt giảm khiến doanh thu xuất khẩu năng lượng mặt trời của Trung Quốc giảm 5,6% trong năm ngoái, ngay cả khi sản lượng tăng vọt. Giá cổ phiếu của công ty sản xuất điện mặt trời dẫn đầu Trung Quốc là Longi đã giảm khoảng 60% kể từ đầu năm 2023. Vào tháng 3, công ty cho biết họ sẽ sa thải 5% công nhân của mình với lý do “môi trường cạnh tranh và ngày càng phức tạp”. Giá cổ phiếu của các gã khổng lồ năng lượng mặt trời khác của Trung Quốc, bao gồm Trina Solar, Ja Solar và Jinko Power, đều đang trải qua sự sụt giảm.
Các công ty nhỏ trong ngành thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Trong khi các doanh nghiệp lớn có khả năng đa dạng hóa, giúp họ vượt qua sự sụt giảm của giá năng lượng mặt trời, thì Lingda, một nhà sản xuất pin mặt trời nhỏ hơn, gần đây đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 1,3 tỷ USD. Một giám đốc điều hành tại một công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc cho rằng ít nhất một nửa số hoạt động kinh doanh trong chuỗi cung ứng sẽ phá sản với tình hình kinh doanh hiện nay.
Đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc đã chấm dứt. Wood Mackenzie dự báo ngành năng lượng mặt trời của Trung Quốc sẽ mở rộng công suất lên gần 1700 gigawatt vào năm 2026. Bất chấp áp lực tài chính do giá giảm, các công ty lớn nhất trong ngành vẫn tiếp tục nâng cấp công nghệ và mở rộng sản lượng nhằm nỗ lực giữ chi phí biên thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh.
Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ hay “ép chín” thị trường?
Sự hỗ trợ của nhà nước cho ngành này đang góp phần tạo ra tình trạng dư thừa nguồn cung. Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo chính quyền thành phố và tỉnh ở Trung Quốc đã tìm cách xây dựng các ngành công nghiệp năng lượng mặt trời địa phương, thuê người dân của họ lắp đặt hàng loạt các hệ thống pin năng lượng mặt trời và ưu đãi thuế.
Giáo sư Usha Haley của Đại học Bang Wichita cho biết, hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cấp miễn phí các nguồn lực như đất, điện, nước, các khoản vay không lãi suất và tiếp cận các công nghệ tiên tiến. Bà cho rằng trung bình tất cả các yếu tố được hỗ trợ này đóng góp tới 35% chi phí của một công ty năng lượng mặt trời, thậm chí lên đến 65% trong một số trường hợp.
Lắp đặt các tấm pin mặt trời áp mái từng là cơn sốt ở những vùng nông thôn các tỉnh như Sơn Đông, Thanh Hải, Nội Mông của Trung Quốc |
Một quản lý trong ngành năng lượng mặt trời ở thành phố Trịnh Châu cho rằng chính quyền địa phương đang tài trợ và xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời để cho thuê và sau đó bán lại cho doanh nghiệp, hay đơn giản là giúp các công ty này không bao giờ phá sản. Điều đó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vốn đã gây căng thẳng về tài chính cho các chính quyền địa phương vốn phải dựa vào việc bán đất cho các nhà phát triển để thu ngân sách.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó đang sắp chạm đến giới hạn khi chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh của Trung Quốc hiện đang phải vật lộn để giải quyết các khoản nợ ngày càng tăng. Các công ty năng lượng mặt trời cũng phải cạnh tranh để giành được sự hỗ trợ của chính phủ với các công ty trong các ngành công nghiệp khác đang phải vật lộn với tình trạng dư thừa công suất và suy thoái kinh tế. Theo phân tích của công ty tư vấn Rhodium, hơn 1/5 các công ty công nghiệp Trung Quốc làm ăn không có lãi trong năm ngoái.
Những biện pháp bảo hộ thương mại chống lại Trung Quốc
Tháng 5/2024, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, tuyên bố rằng “thế giới không thể hấp thụ được sản lượng dư thừa của Trung Quốc”. Từ ngày 12/6, EU bắt đầu áp dụng mức thuế tạm thời từ 26% đến 48% đối với xe điện (EV) của Trung Quốc. Quyết định này càng làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất và căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và các nước phương Tây.
Các mô-đun năng lượng mặt trời giá rẻ của Trung Quốc cũng đứng trước nguy cơ tương tự. Mỹ đã đánh thuế chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Trung Quốc kể từ năm 2012. Mặc dù EU đã từ bỏ các biện pháp tương tự vào năm 2018 nhưng một số người lo ngại về sự phụ thuộc của lục địa này vào các công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Vào tháng 4, khối đã đồng ý mở rộng trợ cấp và hỗ trợ khác cho các nhà sản xuất trong nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc phủ nhận cái gọi là “tình trạng dư thừa công suất”, có những dấu hiệu họ đang phải xử lý những hậu quả thật sự. Trong cuộc họp với các giám đốc điều hành doanh nghiệp và các nhà kinh tế vào tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo không nên chỉ tập trung nguồn lực vào xe điện, pin và mô-đun năng lượng mặt trời - hay như một khẩu hiệu gần đây gọi chúng là “lực lượng sản xuất chất lượng mới”- và lưu ý rằng đầu tư phải “có giá trị riêng”.
Tất cả điều này cho thấy sắp tới ngành năng lượng mặt trời của Trung Quốc sẽ co hẹp và bước vào thời kỳ thanh lọc. Nhà nghiên cứu thị trường Jenny Chase nhận định: “Chúng tôi gọi nó là “tăng trưởng tàu lượn” của ngành năng lượng mặt trời, trong đó các công ty có lợi nhuận nhỏ, sau đó là bùng nổ và cuối cùng là phá sản và rút lui". Nhu cầu cuối cùng có thể bắt kịp nguồn cung, vì giá mô-đun thấp hơn sẽ khuyến khích các nhà phát triển lắp đặt thêm năng lượng mặt trời. Nhưng ngành năng lượng mặt trời của Trung Quốc nên chuẩn bị cho một chặng đường phát triển gập ghềnh và khó đoán.
Một quốc gia soán ngôi Trung Quốc trở thành nước đi vay nhiều nhất
Volvo chuyển dây chuyền sản xuất xe điện ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan