Dự án được kỳ vọng sẽ là một ví dụ tiêu biểu về cơ sở năng lượng sạch tích hợp giữa năng lượng hạt nhân và quang điện.
Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) cho biết, việc xây dựng trang trại năng lượng mặt trời ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc đã chính thức được khởi công tại cảng Hải Tân ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) từ ngày 19/5.
Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong việc tăng cường chuyển đổi xanh của Trung Quốc nhằm đáp ứng các mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060.
Với tổng vốn đầu tư 9,88 tỷ NDT (1,39 tỷ USD) và công suất 2 triệu kW, nhà máy quang điện này dự kiến giúp tiết kiệm khoảng 680.000 tấn than/năm và giảm 1,77 triệu tấn CO2/năm.
Đây là dự án trang trại năng lượng mặt trời ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: CGTN |
Theo CNNC, đây hiện là dự án trang trại năng lượng mặt trời ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc với diện tích biển được phê duyệt là khoảng 1.868ha, tương đương khoảng 2.616 sân bóng đá tiêu chuẩn.
Dự án nằm trong khu vực nước biển ấm dành riêng cho Nhà máy điện hạt nhân Tianwan ở Liên Vân Cảng. Trong đó, một khu vực nước là nơi xả nước ấm của nhà máy điện hạt nhân còn khu vực lân cận được chỉ định để xây dựng quang điện ngoài khơi.
Toàn bộ khu vực nhà máy quang điện được chia thành 2 phần - ngoài khơi và trên bờ. Theo CGTN, phần ngoài khơi bao gồm hơn 3,3 triệu mô-đun quang điện tạo thành 480 mảng, trong khi phần trên bờ là nơi lưu trữ 400MW giờ điện.
Khu vực lưu trữ năng lượng trên bờ đang trong giai đoạn cuối cùng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối tháng 6.
Công trình dự kiến tiết kiệm 680.000 tấn than và giảm 1,77 triệu tấn CO2 mỗi năm. Ảnh: CGTN |
CNNC tiết lộ, dự án sẽ được kết nối với lưới điện quốc gia vào tháng 9/2024 và công suất tối đa được kết nối vào năm 2025.
Thêm vào đó, nhà máy quang điện mới này - kết hợp với nhà máy hạt nhân - sẽ tạo thành cơ sở năng lượng toàn diện quy mô lớn với tổng công suất lắp đặt trên 10GW. Trung Quốc kỳ vọng đây sẽ trở thành dự án tiên phong cho cơ sở năng lượng sạch tích hợp giữa quang điện và điện hạt nhân.
Trong thời gian 25 năm hoạt động, công trình dự kiến có thể sản xuất bình quân 2,234 tỷ kWh điện/năm, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt hàng năm cho 230.000 người dân.
Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, nói rằng dự án này đóng vai trò là một minh chứng quan trọng cho việc sản xuất điện mặt trời ngoài khơi. Lợi thế chính của dự án là vị trí gần nơi có nhu cầu điện lớn.
Giám đốc Lin lưu ý: “Vì các vùng ven biển phía Đông Nam nằm trong số những khu vực phát triển nhanh nhất của Trung Quốc với nhu cầu điện cao, tiềm năng cho những trang trại năng lượng mặt trời ngoài khơi vẫn còn rất lớn”.
Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc chỉ ra, công suất quang điện mới lắp đặt của Trung Quốc đạt 216,88GW vào năm 2023, tăng 148,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu về năng lượng sạch và tái tạo ngày càng tăng.