Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp tháng 5, Tổng cục thống kê cho biết sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,4%.
Sản xuất công nghiệp phục hồi, riêng tháng 5 đơn hàng tăng gần 9%. |
Tính chung năm tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 6,4 điểm % vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,2%), đóng góp 1,1 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,9%), đóng góp 0,1 điểm %; riêng ngành khai khoáng giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,4%), làm giảm 0,8 điểm % trong mức tăng chung.
Trong tháng 5, có một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 24%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 20,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,6%; sản xuất kim loại tăng 13,2%; dệt và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,7%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hơn mức bình quân chung hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 11,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,0%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,7%; khai thác than cứng và than non giảm 1,3%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp năm tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 55 địa phương và giảm ở 8 địa phương trên cả nước. Các địa phương có IIP tăng cao là: Trà Vinh, Khánh Hoà, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hoá. Các địa phương có IIP giảm mạnh là: Sơn La, Quảng Ngãi, Hoà Bình, Hà Giang, Hà Tĩnh.
Đáng chú ý, các địa phương có IIP tăng chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tốt như: Phú Thọ tăng 31,2%; Bắc Giang tăng 24,9%; Bình Phước tăng 14,8%; Hà Nam tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14,4%.
Tuy nhiên cũng có nhiều địa phương chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm tháng đầu năm 2024 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như : Hà Giang tăng 0,4%; Bắc Ninh tăng 0,05%; Hà Tĩnh giảm 9,0%; Quảng Ngãi giảm 8,2%; Cà Mau giảm 2,5%.
Xu hướng tích cực của sản xuất công nghiệp cũng khiến số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5 tăng 1,0% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% so với thời điểm tháng trước và giảm 0,3% so với cùng thời điểm năm trước; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,7% và tăng 0,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,3% và tăng 4,4%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% và tăng 3,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 0,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1,2%.
>>Tình hình kinh tế - xã hội tháng tư và 4 tháng đầu năm 2024
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, chỉ số IIP 10 tháng tăng 8,3%
Apple rót thêm 10 triệu USD vào Indonesia để “giải cứu” iPhone 16