Sản xuất hàng hóa ảm đạm tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới

14-06-2023 07:29|Thủy Tiên

Triển vọng của ngành sản xuất trên khắp thế giới đang trở nên u ám khi nhu cầu tiêu dùng yếu đi.

Theo kết quả khảo sát gần đây của S&P Global, các nhà máy tại Mỹ và khu vực đồng Euro (Eurozone) đều ghi nhận sụt giảm đơn hàng mới trong tháng 5, trong khi chỉ còn rất ít các đơn đặt hàng tồn đọng, phát sinh từ thời kỳ đầu đại dịch.

Cuộc khảo sát tương tự của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) cũng cho thấy hoạt động sản xuất thu hẹp tháng thứ 7 liên tiếp và mức giảm còn mạnh hơn tháng trước đó.

Thực trạng ngành sản xuất tại các nền kinh tế lớn

Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cũng cho thấy đây có thể là tín hiệu khởi đầu của một đợt suy thoái. Bộ Thương mại Mỹ ngày 12/6 báo cáo các đơn đặt hàng của nhà máy không bao gồm vận chuyển tính đến tháng 4 năm nay đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp.

"Với các công ty sản xuất ở khu vực Eurozone, số đơn hàng mới và đơn hàng tồn đều giảm trong tháng 5. Sản lượng công nghiệp tại khu vực này cũng giảm mạnh trong tháng 3, mạnh nhất là đà giảm của Ireland", theo số liệu của S&P Global.

Bên cạnh đó, dữ liệu điều chỉnh vừa công bố trong tuần trước cho thấy khu vực Eurozone đã rơi vào suy thoái kỹ thuật, khi giảm 0,1% trong 2 quý liên tiếp.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã rơi vào suy thoái. Kinh tế Đức giảm 0,3% trong quý 1/2023 và giảm 0,5% trong quý 4/2022.

Tình hình ở Trung Quốc cũng không khả quan hơn là mấy. Dù ngành sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã cải thiện trong tháng 5, nhưng xuất khẩu của nước này lại giảm 7.5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức giảm xuất khẩu mạnh nhất kể từ tháng 1. Điều này cho thấy nhu cầu hàng Trung Quốc giảm sút, trong bối cảnh nước này đối mặt với nhiều rắc rối khác, như tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng cao kỷ lục và bất động sản lao dốc.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 1 chủ yếu nhờ hoạt động chi tiêu dịch vụ, chứ không đến từ hoạt động sản xuất - Ảnh: Economic Times

Nguyên nhân

Sau khi nới lỏng các hạn chế đại dịch, người tiêu dùng đã thoải mái chi tiêu trở lại. Ở cả Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp khách sạn đã chuẩn bị cho một mùa hè du lịch cao điểm.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự dịch chuyển sang chi tiêu dịch vụ, cùng với điều kiện tài chính thắt chặt khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất hàng hóa.

"Hiện tại, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đối với hàng hóa trên toàn cầu đang giảm đi do sự tăng tốc trong quá trình chuyển đổi từ hàng hóa sang dịch vụ. Đó là lý do PMI ngành dịch vụ đang tăng lên", Tom Garretson, chiến lược gia danh mục đầu tư tại RBC Wealth Management nhận định.

Đối với hàng hóa lâu bền, người dân thường vay để mua. Vì thế, khi tín dụng bị thắt chặt do các đợt nâng lãi, các nhà sản xuất sẽ chịu sức ép. Từ đó, các nhà máy toàn cầu sẽ cắt giảm nhân sự nếu nhu cầu hàng hóa tiếp tục yếu đi và số đơn hàng tồn co lại.

Triển vọng u ám

Các nhà sản xuất trên thế giới duy trì lập trường thận trọng khi nói về triển vọng kinh doanh những tháng tới.

Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng của Đài Loan, đối tác của Apple dự báo doanh thu từ mảng thiết bị mạng và đám mây năm nay đi ngang và sẽ giảm trong quý 2/2023.

Trong khi đó, Monish Patolawala, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc tài chính và chuyển đổi của Công ty sản xuất khổng lồ 3M cho biết hoạt động kinh doanh điện tử của công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm đáng kể nhu cầu đối với các thiết bị điện tử tiêu dùng. 3M đã công bố kế hoạch sa thải 6.000 nhân viên trên khắp thế giới vào tháng 4 năm nay.

Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu của JPMorgan cho thấy sự lạc quan của các nhà sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

"Mặc dù lĩnh vực sản xuất dường như đã cải thiện phần nào trong tháng 5 nhưng điều đó chủ yếu là do tăng trưởng mạnh hơn ở một số thị trường lớn mới nổi. Triển vọng của ngành vẫn ảm đạm, đặc biệt là các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh", Ariane Curtis, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho biết.

Ngoài ra, một khảo sát do Hiệp hội Các nhà Sản xuất Mỹ công bố tuần trước cho biết, chỉ khoảng 67% hãng sản xuất Mỹ lạc quan về tương lai công ty. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ quý 3/2020.

"Giữ chân những người lao động giỏi, kinh tế trong nước suy yếu và môi trường kinh doanh không thuận lợi là những thách thức hàng đầu của các nhà sản xuất phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay", CNN nhận định.

Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty sản xuất ống thép

Cảnh báo 'thẻ vàng IUU' - Cú sốc lớn với ngành thủy sản Việt Nam

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/san-xuat-hang-hoa-am-dam-tai-cac-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-187524.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sản xuất hàng hóa ảm đạm tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH