Thế giới

Buôn vàng còn lời hơn cả chất cấm: Thế giới khát vàng, Mỹ Latinh 'đổ máu'

Kiều Trang 01/07/2025 - 14:58

Là quốc gia sản xuất vàng lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, Peru chịu tác động đặc biệt nặng nề từ làn sóng bạo lực liên quan đến khai thác vàng bất hợp pháp.

Cơn sốt vàng: Lợi nhuận, bạo lực và quyền lực đen ở Mỹ Latinh

Những tiếng hô vang của thợ mỏ dội khắp quảng trường chính ở Trujillo – một thành phố ven biển phía bắc Peru. Nhiều người trong số họ đã vượt hàng trăm kilômét từ tỉnh Pataz nằm sâu trong vùng núi Andes – nơi một băng nhóm tội phạm mới đây đã sát hại 13 nhân viên bảo vệ tại một mỏ vàng. “Trên núi giờ tội phạm đầy rẫy,” một người đàn ông đội mũ bảo hộ trắng nói. Đáp lại vụ thảm sát, chính phủ Peru đã ban hành lệnh cấm khai thác vàng kéo dài một tháng tại Pataz. Thế nhưng, những người biểu tình chỉ muốn được trở lại làm việc. Trên áo thun của một phụ nữ in dòng chữ: “Thợ mỏ Pataz không phải tội phạm. Chúng tôi đòi quyền được lao động”.

Là quốc gia sản xuất vàng lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, Peru chịu tác động đặc biệt nặng nề từ làn sóng bạo lực liên quan đến khai thác vàng bất hợp pháp. Công ty khai thác mỏ Poderosa cho biết đã có 39 công nhân bị giết ở Pataz trong ba năm qua. Hai ngôi mộ tập thể được phát hiện từ tháng 10 năm ngoái. Tháng 1 năm nay, trụ sở Viện kiểm sát tại Trujillo bị đánh bom.

vang-1.jpg
Giá vàng, tính theo nghìn USD mỗi ounce troy. (Ảnh: The Economist)

Bối cảnh hỗn loạn này xuất phát từ hai yếu tố: giá vàng không ngừng tăng và nguồn cung cocaine dư thừa. Kể từ năm 2008, những biến động tài chính, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu tăng mạnh từ tầng lớp trung lưu châu Á đã đẩy giá vàng lên sát mức kỷ lục 3.500 USD/ounce. Trong khi đó, diện tích trồng coca – nguyên liệu chính sản xuất cocaine – tại Bolivia, Colombia và Peru đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010. Trước nguy cơ lợi nhuận từ cocaine sụt giảm, nhiều băng nhóm đã chuyển hướng sang vàng. Hai hoạt động tội phạm này có mối liên hệ chặt chẽ: tại vùng Amazon, các trang trại coca và mỏ vàng trái phép thường chia sẻ cơ sở hạ tầng như đường băng cho máy bay nhỏ. Nhiều băng đảng dùng tiền buôn ma túy để đầu tư vào khai thác vàng – một lĩnh vực dễ rửa tiền thông qua hệ thống giấy tờ giả hoặc các doanh nghiệp trung gian hợp pháp.

vang-2.jpg
Xuất khẩu vàng năm 2024, đơn vị: tỷ USD. Một số quốc gia Nam Mỹ được chọn. (Ảnh: The Economist)

Tại Colombia và Peru, các băng nhóm hiện nay được cho là thu lợi từ vàng nhiều hơn cả ma túy. Viện Kinh tế Peru (IPE) ước tính nước này đã xuất khẩu 4,8 tỷ USD vàng lậu trong năm ngoái – chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu vàng, so với 20% cách đây một thập kỷ. Ở Brazil, chính phủ ước tính các tổ chức tội phạm đã kiếm được hơn 18 tỷ reais (khoảng 3 tỷ USD) từ vàng trong năm 2022, vượt qua 15 tỷ reais từ cocaine.

Các “ông trùm vàng” mới

Việc các băng nhóm nhúng tay vào ngành khai khoáng khiến bạo lực leo thang. Trong đại dịch COVID-19, ở Peru, các nhóm “parqueros” – chuyên đi cướp vàng – đã chiếm các đường hầm ở Pataz và thuê các băng nhóm làm bảo vệ. Sau đó, các băng đảng này dần thâu tóm toàn bộ mỏ. Hiện có nhiều nhóm cùng tranh giành quyền kiểm soát tài nguyên ở tỉnh này. Từ tháng 2/2024, chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp và triển khai quân đội đến khu vực, nhưng hiệu quả vẫn rất hạn chế.

vang-3.jpg
Khu vực khai thác được phát hiện, năm 2024. (Ảnh: The Economist)

Ngay cả khi không xảy ra đụng độ vũ trang, khai thác vàng trái phép vẫn gây hậu quả nghiêm trọng. Các băng nhóm đang tàn phá rừng Amazon để khai thác vàng. Tính đến năm 2018, khoảng 1 triệu ha rừng đã bị xóa sổ; đến cuối năm 2024, con số này đã tăng gấp đôi – theo Hiệp hội Bảo tồn Amazon có trụ sở tại Washington. Nhiều khu vực bị phá nằm trong vùng được bảo vệ. Thủy ngân – chất dùng để tách vàng ra khỏi quặng – đã đầu độc nhiều dòng sông Amazon.

Tại Brazil, Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đang trấn áp các “garimpeiros” (thợ mỏ vàng trái phép) – lực lượng từng phát triển mạnh dưới thời người tiền nhiệm Jair Bolsonaro. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó đã chuyển sang Venezuela – nơi dễ dàng thỏa hiệp với quân đội hơn.

Đồng tiền và quyền lực chính trị

Peru cho thấy sự phức tạp của việc quản lý lĩnh vực này. Năm 2012, chính phủ nước này lập ra REINFO – một hệ thống đăng ký cho phép các thợ mỏ không giấy phép tạm thời tránh bị truy tố, với điều kiện họ phải dần tuân thủ quy định và chứng minh quyền sở hữu đất. Tuy nhiên, chương trình này rối ren và kém hiệu quả. Chỉ 2,3% người đăng ký được cấp phép khai thác. Dù nhiều thợ mỏ muốn cải thiện điều kiện làm việc, REINFO lại không hỗ trợ đáng kể. Trong thực tế, nó tạo vỏ bọc cho các băng nhóm không có ý định tuân thủ luật. Các parqueros ngoài REINFO còn dùng chương trình để rửa vàng lậu bằng cách mua hoặc trộm giấy tờ từ các thợ mỏ hợp pháp. “Một thất bại hoàn toàn”, ông Gonzalo Delgado từ Đại học Thái Bình Dương ở Lima nhận xét.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Peru – ông Luis Miguel Castilla – bày tỏ lo ngại về tương lai đất nước: “Tôi thấy rất nhiều điểm giống với những năm 1980, khi các nhóm vũ trang kiểm soát phần lớn lãnh thổ”. Tại khắp khu vực Mỹ Latinh, đối phó với nạn khai thác vàng trái phép sẽ cần một chiến lược hoàn toàn mới. Điều chỉnh ngân sách quốc gia là một khởi đầu.

Chính phủ Peru dành 73 triệu USD để chống buôn ma túy trong năm nay, nhưng chỉ 17,5 triệu USD cho việc ngăn chặn khai thác vàng lậu. Tuy nhiên, các chiến dịch trấn áp đơn thuần là không đủ. Nếu không có một khuôn khổ quản lý hiệu quả, các băng nhóm vẫn sẽ dễ dàng chuyển từ tỉnh giàu khoáng sản này sang tỉnh khác. Trong khi thế giới say mê vàng, Mỹ Latinh tiếp tục đổ máu.

Theo The Economist

>> Siêu cường châu Á bất ngờ bán tháo ồ ạt trái phiếu Mỹ, gom mạnh 200 tấn vàng: Chuyện gì xảy ra?

Siêu cường châu Á bất ngờ bán tháo ồ ạt trái phiếu Mỹ, gom mạnh 200 tấn vàng: Chuyện gì xảy ra?

Ông chủ chuỗi 4.000 cửa hàng vàng trở thành tỷ phú chỉ sau 2 ngày lên sàn

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/buon-vang-con-loi-hon-ca-chat-cam-the-gioi-khat-vang-my-latinh-do-mau-145571.html
Bài liên quan
  • Quốc gia châu Á có tới 25.000 tấn vàng trong dân, vượt kho dự trữ của 10 cường quốc cộng lại
    Trong một nền văn hóa nơi vàng không chỉ là tài sản mà còn là biểu tượng của niềm tin và an ninh tài chính, người dân quốc gia này đang nắm giữ lượng vàng tư nhân lớn nhất toàn cầu — biến quốc gia này thành “kho vàng tư nhân” của thế giới.
  • Hàng nghìn tấn vàng có nguy cơ bị rút sạch, chuyện gì xảy ra?
    Những chỉ trích liên tiếp của ông Donald Trump nhắm vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các rủi ro địa chính trị leo thang đang làm dấy lên tranh luận công khai tại châu Âu về việc hồi hương kho dự trữ vàng quốc gia.
  • Iran tăng tốc mua hơn 100 tấn vàng, chuyện gì đã xảy ra?
    "Trong tình hình hiện tại với các lệnh trừng phạt và xung đột…lượng vàng như vậy có thể đóng vai trò công cụ chính để ổn định thị trường", hãng thông tấn Fars dẫn lời chuyên gia Hassan Hassan Khani.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Buôn vàng còn lời hơn cả chất cấm: Thế giới khát vàng, Mỹ Latinh 'đổ máu'
    POWERED BY ONECMS & INTECH