Khám phá

Phát hiện chủng vi khuẩn mới trên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc

Vũ Bấc 18/05/2025 - 14:43

Chủng vi khuẩn Niallia tiangongensis mới được phát hiện mở ra tiềm năng ứng dụng đột phá trong công nghệ vũ trụ, nông nghiệp và y học nhờ khả năng thích nghi đặc biệt với môi trường khắc nghiệt.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện một chủng vi khuẩn mới phát triển trên trạm vũ trụ Thiên Cung, theo công bố mới đây trên Tạp chí quốc tế về vi sinh vật học hệ thống và tiến hóa.

Phát hiện chủng vi khuẩn mới trên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chủng vi khuẩn này được đặt tên khoa học là Niallia tiangongensis, là biến thể của một loại vi khuẩn trên cạn đã biết và được tìm thấy trên bề mặt cabin của trạm vũ trụ.

Nhóm công nghệ sinh học vũ trụ Thần Châu và Viện kỹ thuật hệ thống tàu vũ trụ Bắc Kinh - đơn vị thực hiện nghiên cứu này - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu vi khuẩn trong các sứ mệnh không gian dài ngày nhằm bảo vệ sức khỏe phi hành gia và duy trì chức năng tàu vũ trụ.

Đáng chú ý, chủng vi khuẩn mới này thể hiện khả năng thích nghi đặc biệt với môi trường khắc nghiệt ngoài vũ trụ. Nghiên cứu chỉ ra rằng chủng này có khả năng chống lại stress oxy hóa vượt trội - ngăn ngừa tổn thương tế bào do mất cân bằng trong cơ thể - và có thể đảo ngược tổn thương do bức xạ gây ra.

"Cơ chế sinh tồn của vi khuẩn này có thể mở ra những chiến lược kiểm soát mới nhằm vào vi khuẩn trong nhiều lĩnh vực từ công nghệ vũ trụ đến nông nghiệp và y học," nghiên cứu cho biết.

Cơ quan Vũ trụ của Trung Quốc cho biết hoạt động của trạm vũ trụ Thiên Cung đang tạo ra "vụ thu hoạch bội thu" về nghiên cứu liên quan đến hoạt chất, nguồn gen và chức năng trao đổi chất của vi khuẩn, với tiềm năng ứng dụng rộng rãi trên Trái Đất.

Phát hiện này là một phần của Chương trình vi sinh vật tại khu vực sinh sống của Trạm vũ trụ Trung Quốc (CHAMP), theo dõi biến đổi vi khuẩn trong quá trình hoạt động dài hạn của trạm vũ trụ. Mẫu vi khuẩn được thu thập vào tháng 5/2023, trong thời gian phi hành đoàn Thần Châu-15 làm việc trên trạm vũ trụ.

Quy trình nghiên cứu kéo dài sáu tháng trên trạm vũ trụ đã được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Các nhà khoa học thu thập vi sinh vật từ bề mặt các mô-đun của Thiên Cung bằng khăn lau vô trùng, sau đó bảo quản bằng phương pháp đông lạnh và vận chuyển về Trái Đất để phân tích chuyên sâu.

Tại phòng thí nghiệm, đội ngũ chuyên gia đã triển khai các kỹ thuật tiên tiến như giải trình tự bộ gen và phân tích chuyển hóa, qua đó xác định được chủng vi khuẩn mới. Kết quả nghiên cứu cho thấy chủng vi khuẩn này thuộc chi Niallia trong họ Cytobacillaceae - một họ vi khuẩn hình que. Tuy nhiên, phân tích di truyền từ Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc khẳng định chủng này có sự khác biệt đáng kể về mặt di truyền so với các loài họ hàng gần nhất trên Trái Đất.

Khả năng tồn tại của vi sinh vật trong môi trường trạm vũ trụ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phức tạp như vi trọng lực, bức xạ và điều kiện không gian hạn chế. Mặc dù vậy, các vi sinh vật này thể hiện sức đề kháng đáng kinh ngạc và không dễ bị tiêu diệt. Chúng nổi tiếng với khả năng phục hồi mạnh mẽ và cơ chế thích nghi linh hoạt với môi trường khắc nghiệt, một đặc điểm khiến chúng trở thành đối tượng nghiên cứu đặc biệt quan trọng trong khoa học vũ trụ.

Tham khảo South China Morning Post (SCMP)

>> Cảnh báo khẩn cấp về vi khuẩn gương có thể gây đại dịch hủy diệt mọi sự sống trên Trái Đất

Thái Lan báo cáo ca tử vong vì bệnh than, hàng trăm người có khả năng phơi nhiễm

Khoang tàu vũ trụ nặng 500kg từ thời Liên Xô sắp rơi tự do xuống Trái Đất

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/phat-hien-chung-vi-khuan-moi-tren-tram-vu-tru-thien-cung-cua-trung-quoc-142619.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phát hiện chủng vi khuẩn mới trên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH