Mỹ 'xuống thang' với Trung Quốc: Hàng loạt quốc gia châu Á sẽ điều chỉnh chiến lược đàm phán?
Một tuần sau khi Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận tạm ngừng leo thang thuế quan, nhiều quốc gia bắt đầu đặt lại câu hỏi về chiến lược mềm mỏng mà họ đang theo đuổi.
Trong khi Mỹ vẫn áp mức thuế trung bình gần 50% với hàng nhập khẩu Trung Quốc – dù đã đồng ý giảm xuống 30% tại Geneva – thì việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ “lùi bước” từ mức 145% thuế ban đầu đã khiến nhiều quốc gia từ Seoul đến Brussels ngạc nhiên.
Sức ép từ Trung Quốc
“Điều này thay đổi hoàn toàn cục diện đàm phán. Nhiều quốc gia sẽ nhìn vào kết quả ở Geneva và kết luận rằng ông Trump đang nhận ra mình đã đi quá xa”, ông Stephen Olson, chuyên gia tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định.
Hiện mức thuế 10% sẽ tiếp tục được áp dụng cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận mới hoặc gia hạn thời gian trước khi giai đoạn “đình chiến” 90 ngày kết thúc vào tháng 7. Dù không quốc gia nào công khai thay đổi chiến lược, nhưng các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang nhận ra rằng họ có thể chậm lại và mặc cả nhiều hơn – một thái độ hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận trước đó.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ
Tại Hàn Quốc, ứng viên Tổng thống hàng đầu Lee Jae-myung tuyên bố không cần vội vã trong đàm phán thương mại với Mỹ, đồng thời chỉ trích Chính phủ lâm thời vì "quá vội vàng" tiếp cận chính quyền Trump.
Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto đã vắng mặt trong một cuộc họp khu vực có sự tham gia của Đại diện Thương mại Mỹ, Jamieson Greer. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Ryosei Akazawa bày tỏ hy vọng đạt được thỏa thuận trong tháng 6, song truyền thông Nhật Bản cho biết thời điểm ký kết có thể lùi đến tháng 7, trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện.
Được biết, các quan chức thương mại Nhật Bản dự kiến sẽ đến thăm Washington vào tuần này.
Mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố rằng Ấn Độ đã sẵn sàng gỡ bỏ toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa Mỹ, nhưng Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã lên tiếng thận trọng, khẳng định các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn và “bất kỳ kết luận nào vào lúc này đều là quá sớm”.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cũng được lên lịch tới Mỹ vào cuối tuần để tiếp tục các vòng thương lượng. “Có rất nhiều quốc gia có thể học được từ Trung Quốc rằng cách hiệu quả để đàm phán với Tổng thống Trump là giữ vững lập trường, bình tĩnh và buộc ông ấy phải nhượng bộ”, ông Marko Papic, Chiến lược gia trưởng của GeoMacro tại BCA Research, nhận định.
EU và Mỹ: Tiến trình đàm phán rối ren
Tại Brussels, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho rằng thỏa thuận Mỹ - Trung không mang lại nhiều lợi ích rõ rệt và vẫn duy trì mức thuế cao, thể hiện sự giới hạn trong tham vọng của ông Trump. Ông Valdis Dombrovkis – quan chức kinh tế hàng đầu của Ủy ban châu Âu – cảnh báo bối cảnh thương mại toàn cầu đang bị phân mảnh, trong khi các thỏa thuận gần đây không giải quyết triệt để tình hình.
Chính các quan chức Mỹ cũng thừa nhận đàm phán với nhiều đối tác như Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ không thể kết thúc sớm. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho rằng EU vẫn thiếu sự đồng thuận nội khối, cản trở tiến trình đàm phán.
Khu vực Mỹ Latin và các nước nhỏ
Tại khu vực Mỹ Latin, nơi các quốc gia đang cố gắng duy trì quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, các nhà lãnh đạo chọn cách đi dây.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva vừa ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh, bất chấp lo ngại từ phía Washington. Trong khi đó, Tổng thống Colombia Gustavo Petro không ngần ngại ký kết tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Ông Robert Subbaraman, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura, nhận định: “Nỗi đau kinh tế do thuế quan gây ra đang lan rộng và trực tiếp ảnh hưởng tới nước Mỹ. Đây có thể được xem là bước lùi mang tính thừa nhận từ chính quyền ông Trump”.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có đủ “vị thế” để áp dụng chiến thuật cứng rắn. Như lời của Giáo sư Bert Hofman, cựu Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc: “Rất rủi ro nếu các nước không đủ mạnh lại tìm cách đối đầu trực tiếp với Mỹ”.
Canada – nước từng áp đặt thuế trả đũa – bị cho là đã ngừng hầu hết các biện pháp, dù Chính phủ nước này phủ nhận và khẳng định vẫn giữ lại 70% mức thuế trả đũa ban đầu.
Dữ liệu của Moody’s Analytics cho thấy các quốc gia như EU, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản đang chịu thâm hụt thương mại dịch vụ với Mỹ – một lĩnh vực có thể trở thành chiến tuyến mới nếu các nước muốn đáp trả. “Trung Quốc có đòn bẩy quá lớn so với Mỹ để Washington tiếp tục giữ lập trường cứng rắn. Câu hỏi mấu chốt là: Ai thực sự đang nắm quyền mặc cả?”, chuyên gia Katrina Ell của Moody’s nhận định.
Trung Quốc lên tiếng về thỏa thuận thuế quan với Mỹ
Mỹ - Trung Quốc dừng áp thuế 90 ngày, giảm mạnh thuế quan đối ứng