Sắp làm việc với doanh nghiệp Thái về 'lùm xùm' dự án năng lượng tái tạo
Bộ Công Thương vừa thành lập tổ công tác nhằm trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư Thái Lan để tìm giải pháp tháo gỡ các dự án năng lượng tái tạo vướng mắc.
Đoàn công tác gồm 14 thành viên, gồm đại diện Cục Điện lực, Vụ Phát triển thị trường ngoài nước, Vụ Pháp chế, Cục Điện lực, Công ty mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ông Trần Hoài Trang - Phó cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương được cử làm tổ trưởng.
Việc lập tổ công tác là do các doanh nghiệp này đã có kiến nghị gửi lên các cơ quan của Thái Lan và Việt Nam phản ánh về chính sách bất cập trong việc tháo gỡ vướng mắc tại các dự án năng lượng tái tạo mà các doanh nghiệp đầu tư.
Theo đó, có 4 nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào 16 dự án điện gió và điện mặt trời với quy mô hơn 1.440 MW đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo phản ánh, dự án của các doanh nghiệp này nguy cơ không được hưởng cơ chế giá ưu đãi (FIT) đã áp dụng từ khi đi vào vận hành thương mại (COD) và bị hồi tố giá bán điện khi tiến hành gỡ vướng.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng hồi tố giá FIT dựa trên ngày cấp văn bản chấp thuận nghiệm thu là không hợp lý do không thuộc lỗi của doanh nghiệp, đi ngược với nguyên tắc không được áp dụng hồi tố của Luật Đầu tư.
![]() |
Việc gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo đến nay vẫn chưa hoàn thành. |
>> Hơn 1.440MW điện gió, điện mặt trời của nhà đầu tư Thái Lan 'mắc kẹt', Bộ Công Thương vào cuộc
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Mua bán điện (EPTC) đã đưa ra đề xuất tạm thời để gỡ vướng cho các dự án vướng mắc. Các dự án đang áp dụng giá FIT1 (9,35 US cent/kWh) nhưng có ngày chứng nhận nghiệm thu hoàn thành sau thời điểm hết hiệu lực của Quyết định giá FIT1, nhưng vẫn trong thời hạn của Quyết định giá FIT2 (7,09 US cent/kWh), sẽ được tạm tính theo giá FIT2.
Trường hợp các dự án áp dụng FIT1 hoặc FIT2 nhưng có ngày nghiệm thu hoàn thành sau khi Quyết định giá FIT2 hết hiệu lực thì sẽ áp dụng mức giá các dự án chuyển tiếp (tức 1.184,9 đồng/kWh). Dù đưa ra mức giá này song các nhà đầu tư chưa đồng tình.
Trong chỉ đạo mới nhất về gỡ vướng các dự án này, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm đối với các dự án đã khởi tố. Trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trường hợp phát hiện vi phạm, tham nhũng thì tiếp tục xử lý nghiêm.
Đối với phản ánh của các doanh nghiệp về việc mất cân đối tài chính, khả năng trả nợ, phá sản khi không được tiếp tục áp dụng giá điện khuyến khích (FIT), Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện tuân thủ theo Nghị quyết 233, nếu vi phạm do lỗi doanh nghiệp và không đáp ứng đầy đủ điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT ưu đãi.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc các địa phương, bộ, ngành định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Sau khi hoàn thành việc xử lý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, Bộ Công Thương chủ trì, tổng hợp báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025.