Sáp nhập các địa phương: Vịnh Hạ Long và các Khu du lịch Sa Pa, Mộc Châu, Mũi Né… sẽ được gọi như thế nào?
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu các tỉnh thành rà soát, giữ nguyên tên gọi các khu du lịch quốc gia và di tích quốc gia, di sản thế giới sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, điều chỉnh và thực hiện xác định đơn vị hành chính mới sau sắp xếp có liên quan đến di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới và di tích quốc gia đặc biệt.
Theo đó, ngoài việc giữ nguyên tên gọi của các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh/thành phố, các địa phương cần cập nhật địa danh gắn với di tích theo đơn vị hành chính mới được sắp xếp.

Mặc dù tên gọi các di sản, di tích vẫn được giữ nguyên, các tổ chức, ban/trung tâm quản lý có liên quan trực tiếp đến các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp cần rà soát và điều chỉnh lại tên gọi, địa danh và địa chỉ để phù hợp với thực tế.
Các địa phương cần bố trí tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý, bảo vệ và trông coi di tích, tránh tình trạng không rõ hoặc không có người phụ trách cụ thể.
Bên cạnh đó, cần kiện toàn bộ máy quản lý, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn di tích; đồng thời, rà soát các hồ sơ khoa học đang lưu trữ tại UBND cấp xã để làm cơ sở quản lý di tích theo thẩm quyền. Đặc biệt, lưu ý các biên bản và bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích đã được UBND cấp xã xác nhận trước thời điểm sắp xếp, nhằm thống nhất trong công tác quản lý đất đai.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, cần giữ nguyên tên gọi để bảo toàn giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản; đồng thời, rà soát hồ sơ khoa học để xác định phạm vi phân bố và mức độ lan tỏa của di sản, làm căn cứ quản lý theo thẩm quyền.
Việc quản lý di sản văn hóa phi vật thể phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Đối với các khu du lịch quốc gia đã được công nhận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị giữ nguyên tên gọi hiện có, đồng thời cập nhật địa danh theo đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, tính đến tháng 5/2024, cả nước hiện có 9 khu du lịch quốc gia được công nhận, bao gồm Khu du lịch Quốc gia Tuyền Lâm (Lâm Đồng); Khu du lịch Quốc gia Sa Pa (Lào Cai); Khu du lịch Quốc gia Núi Sam (An Giang); Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh); Khu du lịch Quốc gia Mũi Né (Bình Thuận); Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, TP. Việt Trì (Phú Thọ); Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc); Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu (Sơn La) và Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Về bảo vật quốc gia, cần rà soát, xác định và điều chỉnh lại tên đơn vị hành chính nơi đang lưu giữ bảo vật, để khớp với tên đơn vị hành chính được ghi trong quyết định công nhận bảo vật quốc gia của Thủ tướng Chính phủ.
Trong lĩnh vực văn hóa cơ sở, các lễ hội truyền thống được phân loại theo 2 cấp: “lễ hội truyền thống cấp tỉnh” và “lễ hội truyền thống cấp xã”.
Với lễ hội truyền thống cấp tỉnh, tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký, thông báo tổ chức theo quy định tại khoản 2 Điều 9, Điều 12 và khoản 2 Điều 14, Điều 15 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.
Với lễ hội truyền thống cấp xã, tiếp tục thực hiện thủ tục thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 17 của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố hoàn thành việc rà soát và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 30/10/2025, nhằm đảm bảo việc sắp xếp đơn vị hành chính không gây xáo trộn trong công tác quản lý di sản, du lịch và các thiết chế văn hóa cơ sở.
>> Sáp nhập tỉnh, bỏ huyện: Tên gọi thế nào, sắp xếp ra sao?