Với phiên giảm mạnh hôm nay, cổ phiếu HPG trở thành mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số gần 1,4 điểm.
Kết phiên giao dịch ngày 20/12/2022, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát (sàn HOSE) giảm phiên thứ 2 liên tiếp với mức -5% về còn 19.000 đồng thị giá; khớp lệnh đến cuối phiên giao dịch đạt 45,5 triệu đơn vị. Khối ngoại giao dịch tới 8,85 triệu cổ phiếu HPG trong phiên này trong đó mua vào 7,62 triệu đơn vị và bán ra 1,23 triệu đơn vị.
Với phiên giảm mạnh này, cổ phiếu HPG cũng là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-index khi lấy đi của chỉ số gần 1,4 điểm.
Nhóm thép phiên này, cổ phiếu TLH bị kéo về mức giá sàn 7.110 đồng; VGS giảm 8% trong khi HSG đứng giá; NKG và POM tăng lần lượt 3,9% và 5%.
Trở lại với cổ phiếu HPG, như chúng tôi đã thông tin trước đó, trong phiên cuối tuần trước (ngày 16/12/2022), nhóm cổ phiếu thép ghi nhận dấu ấn lớn với HPG tăng hơn 5,4% lên 20.400 đồng; các mã HSG, NKG, POM, TLH, VGS đều được kéo lên mức giá trần.
Phiên này, HPG trở thành mã đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 1,6 điểm tăng. Đáng nói, đây cũng là phiên đánh dấu chuỗi 1 tháng hồi mạnh tới 73% của cổ phiếu Hòa Phát tính từ mức thấp nhất phiên 16/11 (11.800 đồng); nhịp hồi này giúp vốn hóa cổ phiếu HPG tăng thêm 50.000 tỷ đồng lên hơn 118.600 tỷ đồng - vượt qua SAB của Sabeco để chiếm lại vị trí thứ 10 về vốn hóa trên sàn HOSE (sau khi bị đánh bật hồi tháng 7/2022).
Tuy nhiên, với việc tăng 0,3% trong phiên hôm nay và chỉ giảm nhẹ 1,2% trong phiên trước đó, Sabeco (SAB) vừa lấy lại vị trí thứ 10 về vốn hóa từ tay của chính Hòa Phát.
Với 2 phiên giảm giá gần nhất, cổ phiếu HPG lại cắt xuống trở lại đường MA100 và tiệm cận (dưới) đường MA20 tại mức 18.200 đồng. Trong một vài phiên tới, nếu cổ phiếu HPG cắt xuống MA20, không ngoại trừ khả năng xu hướng phân phối đỉnh (ngắn hạn) sẽ kết thúc và nhịp điều chỉnh sẽ bắt đầu. Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi ra các quyết định giao dịch ở thời điểm hiện tại.
Thông tin liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa cho biết, trong tháng 11/2022, tình hình sản xuất thép xây dựng vẫn tiếp tục sụt giảm so với các tháng trước và cùng kỳ 2021 do một các công ty thép cắt giảm sản xuất.
Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 11 đạt 682.800 tấn - giảm 5% so với tháng 10 và giảm 37% so với tháng 11/2021. Tiêu thụ thép xây dựng đạt 874.631 tấn - tăng 23% so với tháng trước và đi ngang so với cùng kỳ năm 2021. Trong số này, xuất khẩu thép xây dựng đạt 97.462 tấn - giảm 52,5% YoY.
Tính chung 11 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng đạt 11,2 triệu tấn - đi ngang so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép xây dựng đạt 11,2 triệu tấn - tăng 3% (bao gồm 2 triệu tấn xuất khẩu).
VSA cho biết giá nguyên liệu sản xuất thép giảm liên tục từ tháng 4 đến nay, nhu cầu tiêu thụ thép sụt giảm khi thị trường bất động sản chững lại, biến động tỷ giá đồng ngoại tệ là những yếu tố khiến các nhà máy thép gặp nhiều khó khăn. Đa phần các nhà máy đều trong tình trạng tồn kho giá cao, kết quả kinh doanh giảm sút do cạnh tranh về giá bán và thị phần.
Hiện nay một số doanh nghiệp đã tạm ngưng giảm giá bán, điều này khiến thị trường trở nên bình ổn hơn trước, thúc đẩy việc tiêu thụ và từng bước tái tạo tồn kho. Tuy vậy, các công ty thương mại, nhà phân phối vẫn hạn chế mua vào, giao dịch kém đi, chủ yếu nhắm đến việc thu hồi công nợ cuối năm.
Theo số liệu của VSA, 11 tháng đầu năm, tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát đạt 3,9 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 35% thị phần tiêu thụ thép xây dựng, dẫn đầu toàn ngành. Mới đây, Hòa Phát cũng vừa thông báo điều chỉnh tăng giá thép trong nước.
Công trình triển lãm Top 10 thế giới của Vingroup đã tiêu thụ 10.000 tấn thép Hòa Phát
Hòa Phát (HPG) cung cấp 10.000 tấn ống thép cho 'siêu dự án' lớn nhất Đông Nam Á của Vingroup