Doanh nghiệp

Chi hơn 2.200 tỷ vào dự án container 'Made in Vietnam', Hòa Phát (HPG) có lợi thế gì tại sân chơi mới?

Hoàng Ngân 22/11/2024 - 14:06

Nhu cầu container toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, nhất là khi các tuyến vận tải biển và thương mại xuyên lục địa mở rộng.

Tại sự kiện Triển lãm Intermodal Europe 2024 tổ chức tại Rotterdam, Hà Lan, Hòa Phát (HPG) đã giới thiệu sản phẩm container rỗng 20 feet “Made in Vietnam”. Nhiều đối tác quốc tế như SeaCube, Triton, Textainer, CAI, CMA-CMG, Maersk… đánh giá cao chất lượng và tiềm năng sản phẩm của Hòa Phát, đặc biệt sau khi tập đoàn ký hợp đồng cung cấp 2.000 vỏ container với Hapag-Lloyd, một trong những công ty vận tải lớn nhất thế giới.

Dự án nhà máy container Hòa Phát tại Bà Rịa - Vũng Tàu là bước đi chiến lược nhằm cạnh tranh trong ngành logistics quốc tế.

Sau hai năm triển khai, giai đoạn 1 của nhà máy với công suất 200.000 TEU/năm đã đi vào hoạt động từ tháng 8/2023. Tổng vốn đầu tư cho dự án lên tới 2.200 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát đã rót thêm 300 tỷ đồng.

Khi hoàn thành toàn bộ giai đoạn, nhà máy dự kiến đạt công suất 500.000 TEU/năm, tập trung vào các dòng container dài từ 20 đến 40 feet.

Thực tế tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp sản xuất container đầu tư bài bản. Trước đây, nhà máy sản xuất container Vinashin-TGC với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 45.000 TEU/năm, tuy nhiên, nhà máy đã dừng hoạt động khi Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) kinh doanh ngưng trệ.

Chi hơn 2.200 tỷ vào dự án container 'Made in Vietnam', Hòa Phát (HPG) có lợi thế gì tại sân chơi mới?
Một công đoạn sản xuất trong nhà máy container Hòa Phát

>> Cam kết cấp đủ 6 triệu tấn thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, 'vua thép' Hòa Phát có 'vũ khí' gì trong tay?

Chủ tịch Trần Đình Long từng chia sẻ, Hòa Phát có hai lợi thế lớn khi bước vào thị trường container vốn do Trung Quốc thống trị (chiếm hơn 90% thị phần toàn cầu). Đầu tiên, để sản xuất container, trên 60-70% giá thành phụ thuộc vào nguyên liệu thép. Và thép để sản xuất container là loại thép đặc biệt, kháng thời tiết, chịu được độ mặn của nước biển. Hòa Phát đã tự chủ được nguồn nguyên liệu, container được sản xuất từ thép HRC đặc chủng tại khu liên hợp gang thép Dung Quất. Nhờ đó, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế như ISO 1496-1, 668 và 6346.

Thứ hai, Tập đoàn cũng tự tin với chi phí sản xuất cạnh tranh do chi phí lao động tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, kết hợp với giá điện cạnh tranh, giúp giảm giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, Việt Nam đang đón nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, tạo điều kiện để Hòa Phát xây dựng hệ sinh thái phụ trợ, từ ván sàn đến sơn cho container, chủ động nguồn cung trong nước và giảm chi phí logistics.

Nhu cầu container toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, nhất là khi các tuyến vận tải biển và thương mại xuyên lục địa mở rộng. Tuy nhiên, sản xuất container cũng đòi hỏi giải quyết bài toán lưu trữ và vận chuyển, đặc biệt khi mỗi năm nhà máy có thể xuất xưởng 500.000 thùng rỗng.

Thời điểm năm 2021, ông Trần Đình Long nhận định: “Trở ngại lớn nhất là sản xuất ra có bán được hay không. Tuy nhiên, về kỹ năng sản xuất, chi phí và nguyên liệu, Hòa Phát có lợi thế vượt trội để cạnh tranh với các đối thủ lớn”.

Hiện, Hòa Phát hiện chưa công bố giá chính thức cho container, nhưng loại 20 feet vừa xuất xưởng được định giá trên thị trường khoảng 70-90 triệu đồng/chiếc. Về vật tư, Tập đoàn đã thiết lập nguồn cung ổn định cho ván sàn và được hỗ trợ bởi các nhà cung cấp sơn nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, giúp tối ưu chi phí.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển hiện đại và vị trí chiến lược trên tuyến vận tải quốc tế là lợi thế giúp giảm chi phí logistics và nâng cao tốc độ giao hàng. Không chỉ giới hạn ở container thông thường, Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất container lạnh và thông minh, đáp ứng nhu cầu ngành vận tải thực phẩm, dược phẩm và công nghệ cao.

Sản phẩm container “Made in Vietnam” của Hòa Phát không chỉ mang lại cơ hội mở rộng thị phần quốc tế mà còn góp phần nâng tầm ngành sản xuất Việt Nam trên bản đồ logistics toàn cầu. Nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, container của Hòa Phát hiện đã thu hút sự tin tưởng của các tập đoàn lớn, mở ra triển vọng lớn cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

>> Vừa 'chốt' hợp đồng lớn, container 'Made in Vietnam' của Hòa Phát tiếp tục thu hút thêm nhiều hãng logistics quốc tế

Vừa 'chốt' hợp đồng lớn, container 'Made in Vietnam' của Hòa Phát tiếp tục thu hút thêm nhiều hãng logistics quốc tế

Cảng quốc tế Long An sẵn sàng khai thác container quốc tế: Loạt ông lớn logistics 'để mắt'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chi-hon-2200-ty-vao-du-an-container-made-in-vietnam-hoa-phat-hpg-co-loi-the-gi-tai-san-choi-moi-261591.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chi hơn 2.200 tỷ vào dự án container 'Made in Vietnam', Hòa Phát (HPG) có lợi thế gì tại sân chơi mới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH