Sau chỉ thị cấm xe xăng của Thủ tướng, Hà Nội lập tổ công tác 'đặc biệt'
UBND TP. Hà Nội thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai nhiệm vụ chuyển đổi giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện, trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu cấm dần xe nhiên liệu hóa thạch tại nội đô từ năm 2026.
Ngày 14/7, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3763/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm tham mưu triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện trên địa bàn.
Tổ công tác do ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở Xây dựng làm Tổ trưởng; hai Tổ phó là ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương và ông Nguyễn Anh Quân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cùng 6 thành viên khác. Ngoài ra, tổ giúp việc gồm 19 cán bộ, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.
Theo quyết định, Tổ công tác sẽ rà soát, đề xuất và triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện, đồng thời xử lý các nhiệm vụ mới phát sinh theo thực tế. Sở Xây dựng là cơ quan thường trực, có trách nhiệm huy động nhân lực, thiết bị và kinh phí từ ngân sách thành phố; chủ trì họp, tổng hợp ý kiến và sử dụng con dấu của Sở để thực hiện nhiệm vụ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Việc thành lập Tổ công tác diễn ra sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành chỉ thị ngày 12/7 về các giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Theo đó, Hà Nội được giao triển khai lộ trình cấm dần xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch: từ ngày 1/7/2026, không còn mô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028, hạn chế ô tô cá nhân và cấm mô tô nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 và 2; đến năm 2030, áp dụng cấm toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.
Cùng với đó, Hà Nội được yêu cầu lập và công bố đề án vùng phát thải thấp trong quý III/2025, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng đa phương thức, phủ kín các trục chính và khu vực đông dân cư, kết nối tới các đầu mối giao thông. Các đội xe buýt điện, tàu điện, cùng hệ thống trạm sạc và dịch vụ cho phương tiện năng lượng sạch cũng phải được mở rộng đồng bộ.
![]() |
Vị trí các trạm sạc xe máy điện của V-Green tại khu vực nội thành Hà Nội (Nguồn: V-Green) |
Hiện nay, V-Green là công ty đang sở hữu mạng lưới trạm sạc dành cho ô tô và xe máy điện lớn nhất tại Việt Nam, với quy hoạch 150.000 cổng sạc tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước. Với cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống.
Ngoài V-Green, một số doanh nghiệp cũng đang nhảy vào lĩnh vực phát triển trạm sạc xe điện có thể kể đến như EverEV, SOLAREV, Quỹ đầu tư GreenYellow Việt Nam, Eboost, EV One, EverCharge, EVG, Charge Plus, DatCharge, Rabbit EVC, VuPhong Energy, Autel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power)…
>> Trước khi xe máy xăng bị cấm ở một số khu vực, Honda đang 'hốt bạc' như nào tại thị trường Việt Nam?